Những ruộng muối bị bỏ hoang cỏ mọc um tùm. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối mất rất nhiều công và chi phí đầu tư như hệ thống thủy lợi, ô nề, ô kết tinh, chạt lọc, thống cái, thống con, đường vận chuyển nội đồng… đang xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Trần Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc cho biết, toàn xã có trên 52 ha sản xuất muối. Trước đây, Nghĩa Phúc là xã duy nhất tại Nam Định độc canh nghề làm muối, đời sống của người dân phụ thuộc vào hạt muối nhưng những năm gần đây thời tiết diễn biến thất thường cùng với giá muối xuống thấp, nhiều người không còn thiết tha với đồng ruộng.
Hiện Nghĩa Phúc có khoảng 80% diện tích ruộng muối bị bỏ hoang.
Theo ông Lộc, nghề sản xuất muối một năm có 2 vụ chính, từ tháng 4 đến tháng 6 và vụ chiêm từ tháng 9 đến tháng 11. Dịp đầu tháng 6, nắng nóng kéo dài rất thuận lợi cho sản xuất muối. Tuy vậy, tại 2 cánh đồng muối trên địa bàn xã có rất ít bà con ra đồng làm muối. Người dân có xu hướng tìm những công việc khác cho thu nhập cao hơn để thay thế nghề muối.
Trên cánh đồng muối rộng 30 ha ở khu 2 xã Nghĩa Phúc chỉ còn lại những người trung tuổi và cao tuổi ra đồng. Những người này gắn bó với nghề làm muối bởi thực ra họ chẳng biết làm gì nếu bỏ nghề.
Ông Nguyễn Văn Tùy, một diêm dân trong xã cho hay, nghề làm muối rất vất vả, làm từ 5 giờ sáng đến chiều tối, tính ra tiền công chỉ được khoảng 180.000 đồng/ngày/người; trong khi đó làm công nhân hoặc nhiều việc khác một ngày công cũng được 200.000 đồng.
Ông Tùy là người gắn bó với nghề làm muối từ khi xã Nghĩa Phúc thành lập (năm 1965) đến nay. Trước đây, thời tiết thuận lợi nhiều ngày nắng, ít ngày mưa nên cứ vào vụ sản xuất muối, diêm dân như ông Tùy nếu chịu khó làm cũng có thu nhập kha khá để trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên, những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, mưa, nắng thất thường, ảnh hưởng lớn đến nghề làm muối. Vụ muối năm nay, gia đình ông Tùy mới ra đồng làm được vài buổi, tiền công chẳng đáng bao nhiêu.
Hiện xã Nghĩa Phúc có khoảng 12 ha muối đang duy trì sản xuất, còn lại là bỏ hoang; trong đó, nhiều diện tích bỏ hoang từ 3 - 4 năm gây ra lãng phí tài nguyên đất.
Trước thực trạng trên, nhiều diêm dân trong xã đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan chức năng xem xét cho bà con chuyển đổi mục đích sử dụng sang nuôi trồng thủy sản hoặc trồng cói.
Lý do người dân nơi đây đưa ra là, trong hơn 1 tháng làm muối vừa qua, ước tính thu nhập đối với một lao động làm muối chưa được 1 triệu đồng nên không ai muốn làm nghề này nữa.
Những người có thâm niên trong nghề làm muối chia sẻ, thời tiết ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất muối. Nếu nắng kéo dài 1 - 2 tuần xong mưa mấy ngày là thuận lợi, còn nếu cứ ngày nắng xong lại xuất hiện mưa hay chỉ cần đêm mưa nhỏ thì dù ngày hôm sau có nắng to, diêm dẫn vẫn không thể làm được.
Mặt khác, giá cả thị trường cũng biến động thất thường, hiện giá muối giảm chỉ còn 1.500 đồng/kg, đồng thời vấp phải sự cạnh tranh từ các vùng sản xuất muối công nghiệp khác nên nhiều người không còn thiết tha với nghề làm muối.
Ông Nguyễn Văn Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ diêm nghiệp xã Nghĩa Phúc thông tin, tiền công thấp, trong khi để có cát làm muối từ vụ này người dân bắt buộc phải đi mua, chất lượng cát không đạt yêu cầu, lẫn nhiều tạp chất càng khiến cho người làm muối đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Ông Mai Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc nhìn nhận, với giá muối thấp, sản xuất muối không thu được hiệu quả, dó đó dự báo tỷ lệ diêm dân bỏ ruộng sẽ còn tăng cao. Để bảo đảm đời sống cho người dân, xã đang đã chủ trương khuyến khích các hộ dân đẩy mạnh phát triển nghề đan cói xuất khẩu. UBND xã cũng đề nghị các ngành chức năng sớm cho chuyển đổi mục đích sản xuất tại những cánh đồng muối đang bỏ hoang để tránh lãng phí.