Thu hút đầu tư mới: Cơ hội phụ thuộc vào chính Việt Nam

Với việc kiểm soát dịch bệnh được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, cùng với môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, Việt Nam được xem là điểm đến thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại sau đại dịch.

Để cùng tìm hiểu rõ hơn về xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI và tìm các giải pháp đón dòng vốn này vào Việt Nam, phóng viên TTXVN đã ghi nhận các ý kiến của Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài và TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế về vấn đề trên.

Chú thích ảnh
Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Giáo sư Nguyễn Mại: 4 điểm lưu ý để đón sóng FDI

Hiện đang có xu hướng dịch chuyển luồng vốn đầu tư. Xu hướng này thể hiện rõ khi Mỹ đang tìm mọi cách để thu hút các nhà đầu tư của Mỹ về nước nhằm khắc phục dịch COVID-19 và tạo việc làm. Nhật Bản đã chi 2,2 tỷ USD để khuyến khích các doanh nghiệp của mình chuyển đầu tư về nước hoặc sang nước thứ ba. Các doanh nghiệp châu Âu cũng đang có sự dịch chuyển khi chuỗi cung ứng toàn cầu có nguy cơ “đứt gãy” bởi dịch COVID-19.

Trước khi dịch COVID-19 diễn ra, từ 2018-2019 xu hướng dịch chuyển luồng vốn đầu tư trên thế giới đã có và Việt Nam đã có cơ hội để đón nhận sự dịch chuyển đầu tư này. Tuy nhiên, sau dịch COVID-19, Việt Nam lại có cơ hội hơn để thu hút luồng vốn này. Điều này do những lý do sau:

Thứ nhất, Việt Nam là nước phòng chống dịch COVID-19 tốt trên thế giới, điều này làm tăng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Sau dịch, Việt Nam được đánh giá cao về chỉ số công khai, minh bạch thông tin, điều này tạo cho doanh nghiệp niềm tin vào thông tin thị trường. Bên cạnh đó, sau dịch bệnh, vị thế điều hành của Chính phủ được nâng cao. Chưa bao giờ người dân có niềm tin vào sự điều hành của Chính phủ Việt Nam như hiện nay.

Thứ hai, tăng trưởng kinh tế quý I của Việt Nam cao vào nhất so với các nước trong khu vực. Trước đây, kinh tế Việt Nam tăng trưởng thấp hơn so với Ấn Độ nhưng hiện tại tăng trưởng của Việt Nam đang cao hơn. So với các nước Đông Nam Á, Việt Nam cũng có mức tăng trưởng cao nhất. Điều này cho thấy sức chống chọi của kinh tế Việt Nam trước khủng hoảng là rất tốt.

Thứ ba, xét về điều kiện bên ngoài, xu hướng toàn cầu hóa đang có hướng thay đổi sau dịch bệnh, đặc biệt nguy cơ về chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Trong khi đó, Quốc hội Việt Nam vừa phê chuẩn Hiệp định thương mại Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu  (EVIPA), điều này mở ra cơ hội lớn cho quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và EU.

Với những nguyên nhân trên, rõ ràng Việt Nam đang có cơ hội tốt hơn rất nhiều so với trước dịch về đón nhận luồng đầu tư mới.

Tuy nhiên, để đón được làn sóng đầu tư này, theo tôi Việt Nam cần lưu ý 4 điểm sau:

Thứ nhất, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn mặt bằng cho các nhà đầu tư. Chính phủ phải chỉ đạo các địa phương, các ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất chuẩn bị sẵn mặt bằng, vị trí để đón nhận các nhà đầu tư. Không chỉ chuẩn bị về mặt bằng, Việt Nam cũng cần có thủ tục thuê đất đơn giản nhất và có giá thuê đất ưu đãi cho các nhà đầu tư. Đừng vì thấy xu hướng các nhà đầu tư dịch chuyển sang nhiều mà nâng giá đất lên bởi thực tế giá đất tại Việt Nam đã cao hơn trong khu vực.

Thứ hai, Việt Nam cần chuẩn bị về nguồn nhân lực với trình độ cao và cần giới thiệu để các nhà đầu tư nhận thấy chất lượng nhân lực của Việt Nam sẵn sàng đáp ứng được các yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này thực tế đã chứng minh khi Samsung vào Việt Nam, nguồn nhân lực đã đáp ứng được cho nhu cầu của Samsung.

Thứ ba là hạ tầng cơ sở bao gồm điện nước, thông tin, logistics… phải được chuẩn bị tốt nhất và đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư.

Thứ tư, Việt Nam cần tiếp tục rút gọn các thủ tục hành chính, giảm tối thiểu các thủ tục đầu tư kinh doanh để rút ngắn kế hoạch triển khai đầu tư của các doanh nghiệp. Đối với các nhà đầu tư lớn, ngoài những ưu đãi về thuế, đất đai cái họ cần là thời gian, vì đối với họ thời gian là vàng bạc.

Tôi nhấn mạnh đây là một cơ hội tốt, “nghìn năm có một”, nhưng có tận dụng được hay không phụ thuộc vào chính Việt Nam. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này bằng một thay đổi cơ bản trong hoạt động quản lý nhà nước đối với thu hút FDI.

TS Nguyễn Trí Hiếu: Lựa chọn nhà đầu tư phù hợp

Chú thích ảnh
Cảng Quốc tế Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Mạnh Dương/TTXVN

Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, nhờ vậy Việt Nam khởi động lại các hoạt động của nền kinh tế nhanh hơn các nước khác. Hiện hầu hết các ngành kinh tế đã đi vào hoạt động. Nhờ khởi động nhanh nền kinh tế, tôi cho rằng, Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi kinh tế nhanh hơn và có cơ hội đón nhận luồng vốn đầu tư đang dịch chuyển hiện nay.

Bên cạnh đó, thông qua dịch bệnh, các nhà đầu tư đều nhìn nhận Việt Nam là một nền kinh tế ổn định khi vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong quý I/2020. Chính vì vậy, các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư đến từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang “nhòm ngó” đến Việt Nam như là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Tuy cơ hội là có nhưng Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với tất cả các quốc gia khác trong thu hút đầu tư, chứ không phải Việt Nam là địa điểm duy nhất thu hút đầu tư. Chính vì vậy, khi các dòng tiền nước ngoài sẵn sàng đổ vào, Việt Nam cần lưu ý đến hàng loạt vấn đề như: Liệu Việt Nam có thể hấp thụ nguồn vốn đầu tư đó hay không? Liệu Việt Nam có lao động, nhân công tay nghề giỏi để đáp ứng được phương thức sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của các nhà đầu tư hay không? Rồi các vấn đề thủ tục hành chính, hải quan, thuế… có đủ thông thoáng và hấp dẫn các nhà đầu tư hay không? Có chuẩn bị tốt và đáp ứng các vấn đề nêu trên thì Việt Nam mới có thể thu hút được dòng vốn dịch chuyển đầu tư đang diễn ra.

Ngoài ra, tôi cho rằng, khi có dòng vốn đầu tư mới, Chính phủ phải có kế hoạch đón nhận và lựa chọn các nhà đầu tư. Việt Nam cần "chọn mặt gửi vàng" chứ không phải tiếp nhận một cách ồ ạt. Khi Việt Nam được ví như “hoa hậu” được nhiều người săn đón thì chúng ta có quyền lựa chọn ai là người bạn của chúng ta. Vì vậy, giữa các nhà đầu tư, việc lựa chọn các nhà đầu tư với những tiêu chí khách quan phù hợp với định hướng của Việt Nam, phù hợp với thực tiễn kinh doanh của Việt Nam là điều cần thiết.

Quốc Huy/TTXVN (Thực hiện)
EVFTA giúp khai thông dòng chảy FDI chất lượng cao từ EU vào Việt Nam
EVFTA giúp khai thông dòng chảy FDI chất lượng cao từ EU vào Việt Nam

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy Nguyễn Đức Thanh nhận định Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 tới sẽ tạo cơ hội rộng mở cho Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường 450 triệu dân, đồng thời khai thông dòng chảy Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao từ Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam, cũng như cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng mang lại nhiều giá trị gia tăng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN