Khắc phục điểm yếu trong thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Thảo luận phiên toàn thể cuối cùng trước khi thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) là một trong nhiều nội dung đáng chú ý của tuần làm việc thứ hai Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khoá XIV.

Theo chương trình, phiên thảo luận Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ diễn ra vào chiều mai (26/5). Bên lề kỳ họp, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Đoàn Thừa Thiên-Huế) xung quanh các vấn đề thu hút đầu tư trong nước cũng như những điểm yếu cần khắc phục, bổ sung tại dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Đặng Ngọc Nghĩa trả lời phỏng vấn báo chí trong giờ giải lao. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Thưa đại biểu, thời gian gần đây rất nhiều nước trên thế giới, nhất là trong khu vực rất muốn đầu tư vào Việt Nam. Vậy, theo đại biểu Việt Nam cần những động thái gì để thu hút được làn sóng đầu tư nhằm hỗ trợ cho kinh tế phát triển?

Hiện nay, tại Việt Nam về nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) làm rất tốt trong cả quá trình nhiều năm qua. Tuy nhiên, sau dịch COVID-19 vị thế của Việt Nam được nâng cao lên rất nhiều, đặc biệt dưới sự điều hành của Chính phủ. Đây là điều kiện để đảm bảo đời sống người dân trong nước cũng như người nước ngoài tại Việt Nam.

Hiện tại các nước vẫn chưa mở đường bay để có thể tự do đi lại thông thương và tìm kiếm đối tác. Do đó,  nên chăng nếu thực hiện trực tuyến Chính phủ điện tử về dự án FDI sẽ rất tốt để thu hút đầu tư mà vẫn an toàn trong kiểm soát dịch bệnh.

Ngoài ra, Việt Nam phải đưa ra những mức độ hấp dẫn của đất nước về nguồn lao động, đất đai, tài nguyên, thuế hay các chính sách khác để thu hút nguồn vốn nhưng phải đảm bảo môi trường, quốc phòng an ninh và nhất là lây nhiễm dịch trong cộng đồng.

Tôi cho rằng, thời gian qua Việt Nam đã có cơ hội vàng để thu hút đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, cộng với việc xử lý dịch COVID-19 của Việt Nam rất thành công nên rất nhiều các nước lớn đều muốn đầu tư vào Việt Nam bởi đây được coi là điểm đến an toàn.

 Liên quan đến dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ được các đại biểu thảo luận vào ngày mai 26/5, theo đại biểu dự thảo Luật cần được bổ sung, hoàn thiện gì để khắc phục những bất cập hiện hành?

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa: Theo tôi, thời gian vừa qua Việt Nam có nhiều loại hình về đầu tư như đầu tư công, đầu tư về tư nhân, đầu tư đối tác công tư (PPP).

Vì vậy, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) cần đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và tập trung nguồn lực, đặc biệt là đầu tư các dự án trọng điểm có tính chất đột phá.

Vừa qua, Luật Đầu tư đã tạo điều kiện thông thoáng được một số chủ trương, chính sách như cấp phép cho doanh nghiệp hay chuẩn bị đầu tư cũng công khai minh bạch hơn. Tuy nhiên, để hài hoà giữa việc đầu tư tư nhân và đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước cần công bằng và rõ ràng hơn.

Chẳng hạn như việc đầu tư của tư nhân bỏ ra nguồn vốn rất nhiều bởi doanh nghiệp Nhà nước đầu tư là tiền ngân sách còn với tư nhân nhưng không trúng công trình thì không ai đảm bảo được nguồn vốn đó. Điều này theo tôi cần tính toán lại việc đầu tư của doanh nghiệp tư nhân.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này cần bổ sung và hoàn thiện thêm vấn đề gì, thưa đại biểu?

Về loại hình doanh nghiệp, tôi đồng tình phải đảm bảo công bằng, công khai và minh bạch trước pháp luật.

Riêng về nội dung này cơ quan chủ quản của Chính phủ phải nghiên cứu với đầu tư tiền dự án, nếu doanh nghiệp đầu tư vào phải có sự công bằng như nhau.

Đơn cử nếu định đầu tư xây dựng cầu phải báo cáo tiền khả thi, báo cáo sơ bộ, thiết kế…nếu trúng thầu được thì thôi nhưng nếu không trúng thầu được phải yêu cầu hoàn lại nguồn vốn đó.

Hiện tại trong Luật chưa có đề mục nào đề cập đến vấn đề này. Đây là một trong những khâu khi tôi đi tiếp xúc cử tri rất nhiều ý kiến băn khoăn.

Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình cũng cần có những chiến lược. Bởi, có một số doanh nghiệp trúng thầu nhưng không làm mà lại đi thuê lại nhà thầu khác thi công.

Do vậy, Nhà nước cũng cần nghiên cứu rõ hơn để có thể chuyển đổi từ đầu tư nước ngoài chuyển vào đầu tư trong nước.

Để làm được điều này cần có những doanh nghiệp mạnh, có thể là đấu thầu hạn chế, thậm chí đưa ra những doanh nghiệp mạnh hay tiêu chí áp dụng vào những công trình trọng điểm.

Mặc dù Chính phủ đã làm tốt thủ tục hành chính nhưng vẫn còn một số nội dung cần nghiên cứu sát hơn với thực tiễn, tăng trưởng kinh tế hiện nay đặc biệt là điều kiện hiện nay mở cửa với nước ngoài.

Nếu phát triển đầu tư sẽ đi kèm theo tạo cơ hội việc làm, tăng trưởng kinh tế và tạo ra môi trường cho cả trong nước, nước ngoài, nhất là doanh nghiệp Việt Nam phải lớn mạnh.

Dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xin chuyển 8 dự án thành phần từ dự án PPP sang đầu tư công. Ý kiến của đại biểu như thế nào về đề xuất này. Hơn nữa, nếu dự án được thống nhất chuyển sang đầu tư công thì cần phải có giải pháp gì để siết chặt quản lý, tránh thất thoát, đội vốn cũng như đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình?

Với 8 dự án cao tốc phía Đông Quốc hội đã có chủ trương khá lâu rồi nhưng có điểm khách quan là các nhà đầu tư PPP không muốn vào còn nước ngoài thì không nên bởi có nhiều yếu tố; trong đó, có quốc phòng an ninh.

Tuy nhiên, nguồn thu của các dự án đường cao tốc này cân đối lại, thứ hai BOT và BT chưa có luật nên nhiều doanh nghiệp lo ngại về chủ trương chính sách. Đặc biệt là điều kiện đầu tư giá thành khá lớn, chủ yếu đi tuyến miền núi khó khăn. Chính vì thế, tư nhân mà bỏ vốn vào đây sẽ gặp khó khăn và Chính phủ cũng nhận thấy điều này.

Hiện nay, theo thông báo quyết định của Chính phủ cũng phải thông qua các dự án quan trọng và thường vụ Quốc hội đồng ý rồi, kỳ họp sẽ báo cáo về vấn đề này.

Bản thân tôi rất đồng tình với dự án này vì đây là con đường huyết mạch bởi xây dựng đường giao thông sẽ thuận lợi nhiều về dân sinh, quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế, thông thương hàng hoá và tránh được quá tải của Quốc lộ 1.

Dù vậy, để đảm bảo được Chính phủ nên đưa ra những tiêu chí về doanh nghiệp mạnh. Hơn nữa, việc đấu thầu rộng rãi phải đi kèm thời điểm hoàn thành vì hiện nay nguồn vốn có nhưng quá kéo dài và chất lượng phải đảm bảo. Cơ quan chủ quản sẽ là Bộ Giao thông Vận tải cùng phối hợp với các địa phương trên tuyến đường này giám sát chặt nguồn vốn.

Theo đại biểu, hiện nay 8 gói thầu chuyển sang đầu tư công vì nhà đầu tư lớn không tham gia vì chưa có Luật Xây dựng-Chuyển giao-Kinh doanh (BOT) và Luật Xây dựng-Chuyển giao (BT). Vậy, các nhà đầu tư nhỏ lẻ liệu có đảm bảo về dòng tiền cũng như trình độ kỹ thuật thi công hay không?

Doanh nghiệp không bỏ vốn 100% mà nếu dùng tiền ngân sách Nhà nước các doanh nghiệp lớn sẽ vào đấu thầu và sẽ tạo sự tin tưởng hơn.

Mặt khác, nếu doanh nghiệp Nhà nước trúng thầu sẽ không phải lo ngân sách còn doanh nghiệp tư nhân phải tự lo ngân sách và chịu toàn bộ rủi ro.

Vì vậy, tôi cho rằng dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ có rất nhiều doanh nghiệp quan tâm và tham gia dự thầu. Do đó, nếu doanh nghiệp mạnh tham gia thi công thì chất lượng, thời gian và hiệu quả của tuyến đường này cũng được nâng lên.

Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Uyên Hương  (TTXVN)
Cần tranh thủ thời cơ thu hút đầu tư nước ngoài
Cần tranh thủ thời cơ thu hút đầu tư nước ngoài

Chiều 22/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình, triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài ứng phó với các thách thức toàn cầu do COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN