Thị trường vàng trong nước “nhảy múa”

Chưa khi nào thị trường vàng trong nước lại “nhảy múa” dữ dội như ngày 8/8. Rất nhiều người “trót” bán vàng trong các phiên trước “tặc lưỡi” tiếc rẻ, bởi chỉ chưa đầy 24 giờ, mỗi lượng vàng đã tăng hơn 2 triệu đồng/lượng.

Cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu đông nghịt người đến mua vàng. (Ảnh chụp lúc 16 giờ 15 phút). Ảnh: Lê Phú

Lúc 15 giờ ngày 8/8, giá vàng mua vào- bán ra tại Bảo tín Minh Châu (Hà Nội) đã lên mức 43,20 – 44,1 triệu đồng/lượng, tại SJC giá vàng được giao dịch ở mức 43,5 – 44,02 triệu đồng/lượng. Trước đó, chỉ trong vòng hơn một giờ đồng hồ đầu giờ sáng 8/8, giá vàng đã chinh phục ba ngưỡng mới là 42 triệu, 43 triệu và 44 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, giá vàng trong phiên 8/8 cũng biến động mạnh và lập những kỷ lục lịch sử. Tại thị trường giao dịch điện tử New York lúc 14 giờ ngày 8/8 (giờ Việt Nam), giá vàng tăng 63,2 USD (3,83 %) lên 1.715 USD/ounce (42,8 triệu/lượng). Trên trị trường Hồng Công sáng cùng ngày, giá vàng tăng 18,2 USD lên 1.685,5 USD/ounce.

Tính từ đầu năm 2011 đến nay, giá vàng đã tăng 21% và đây cũng là năm thứ 11 giá vàng tăng liên tục, khi nhu cầu về kim loại quý này dâng cao do khủng hoảng nợ công và kinh tế thế giới suy thoái.

Ngay trong buổi sáng, nhiều lúc thị trường rơi vào tình trạng “loạn giá”, một số doanh nghiệp như Bảo Tín Minh Châu hay Phú Quý theo không kịp, đã bỏ trống bảng niêm yết giá và suốt thời điểm đó, trung tâm giao dịch của hai hãng này tại phố Trần Nhân Tông hầu như không mua, không bán.

Giá vàng niêm yết tại cửa hàng Phú Quý (ảnh chụp lúc 16 giờ 15 phút) . Ảnh: Lê Phú

Trên bảng giá điện tử của các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, giá vàng “nhảy” giá từng phút. Thậm chí, có những lúc giá vàng nhảy 300.000 đồng/lượng ở mỗi lần điều chỉnh. Lúc 9 giờ ngày 8/8, chỉ trong vòng 5 phút , giá vàng đã tăng 500.000 đồng/lượng. Chỉ hơn một tiếng giao dịch đầu giờ sáng, các công ty đã thay bảng yết giá hơn chục lần, mỗi lần điều chỉnh tới cả trăm nghìn đồng. Trong khi đó, các doanh kinh doanh vàng đang thể hiện rõ độ thận trọng khi nới giãn khoảng cách giữa giá mua và bán vàng lên 500.000 - 900.000 đồng/lượng.

Lúc 14 giờ, giá vàng SBJ tại thị trường Tp.Hồ Chí Minh do Công ty Sacombank-SBJ niêm yết là 43,51 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,99 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cùng thời điểm này báo giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức 43,5 triệu đồng/lượng và 44,4 triệu đồng/lượng. Đến 15 giờ, giá vàng có “hạ nhiệt” nhưng vẫn ở mức cao, thị trường giao dịch quanh mức 43,2 – 44,1 triệu đồng/lượng.

3 “sức ép” với giá vàng

Sự biến động dữ dội của giá vàng trong nước được các chuyên gia đánh giá là kết quả tác động cùng lúc của ba yếu tố: giá vàng quốc tế, tương quan cung cầu trong nước, và tỷ giá USD/VND. Khi vàng đạt đỉnh 44,4 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước cao hơn thế giới hơn 2 triệu đồng/lượng. Và như vậy, điệp khúc “khan hàng giá lên” đang được nhiều người nghĩ đến.

Giá vàng trong nước bật tăng hơn một triệu đồng so với chốt tuần trước. Ảnh: Lê Phú

Ông Vũ Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu cho biết, trong phiên sáng nay, số lượng người bán ra khá ít vì sợ giá sẽ tiếp tục tăng. Chỉ một số người thực sự cần tiền mặt mới bán. Trong khi đó, cửa hàng không đủ vàng để đáp ứng nhu cầu mua vào của nhà đầu tư.

Lý giải cho việc giá vàng “leo thang” trong sáng nay, ông Vũ Minh Châu cho rằng là do sự hỗ trợ từ giá vàng thế giới. Tuy nhiên, giá vàng trong nước “thăng hoa” hơn thế giới vì hiện tại vàng trong nước đang rất khan hiếm do trong suốt thời gian dài qua, vàng bị “chảy máu” vì hoạt động thu gom vàng để xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp trong nước.

Một ngày làm việc vất vả của người trông giữ xe tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu, phố Trần Nhân Tông (Hà Nội). Ảnh; Lê Phú

Theo Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 7/2011, lượng vàng xuất khẩu lên gần 30 tấn. Trước đó, tính đến 30/6, kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm đạt 1,203 tỷ USD; riêng tháng 6/2011 xuất tới 806,255 triệu USD, tăng 133% so với tháng 5/2011. Do đó lượng vàng trong nước giảm mạnh, không đủ để đáp ứng lượng cầu ngày càng tăng, gây mất cân bằng cung cầu. Điều đó dẫn đến tình trạng người dân xếp hàng chờ mua vàng. Thị trường vàng còn bất ổn ở chỗ chênh lệch giữa mức giá mua vào và bán ra thay đổi liên tục và ở mức rất cao, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

Trước tình hình biến động mạnh mẽ của giá vàng thế giới, tập đoàn Goldman Sachs Inc đã dự báo trong vòng 12 tháng tới, giá vàng có có thể leo lên mốc 1.860 USD/ounce. Trong khi đó, chuyên gia phân tích thị trường David Lennox ở Fat Prophets cho biết, giá vàng sẽ tiếp tục tăng khi các nhà đầu tư tìm đến vàng làm nơi trú ẩn an toàn thay cho trái phiếu Mỹ giờ đây không còn hấp dẫn nữa sau khi mức tín nhiệm của trái phiếu chính phủ Mỹ đã bị S&P đánh tụt từ hạng cao nhất AAA xuống một hạng, còn AA+. 

Nhiều doanh nghiệp vàng đã có công văn kiến nghị với Hiệp hội Kinh doanh vàng và một số Hiệp hội liên quan can thiệp để bình ổn thị trường vàng. Trong đó, đề nghị các cơ quan quản lý nên đưa ra những quy định về biên độ giá mua – giá bán vàng tương tự như những quy định về biên độ lãi suất tiền vay, tiền gửi của ngân hàng và biên độ dao động của cổ phiếu trên TTCK.

“Đây là việc làm rất cần thiết để bình ổn thị trường vàng, giúp doanh nghiệp kinh doanh ổn định và người dân mua được vàng với mức giá hợp lý hơn” ông Vũ Minh Châu cho biết.

Nhóm PV KT-XH

Giá vàng thế giới lập kỷ lục lịch sử
Giá vàng thế giới lập kỷ lục lịch sử

Giá vàng thế giới ngày 8/8 lần đầu tiên đã vượt ngưỡng 1.700 USD/ounce sau khi hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Standard &Poor ((S&P) hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ "AAA" xuống "AA+"

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN