Giá vàng sẽ còn tăng?

Giá vàng trong nước kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (7/8) đã lên sát mốc 42 triệu đồng/lượng. Vào lúc 18 giờ chiều qua, giá vàng rồng Thăng Long của Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín – Minh Châu mua vào – bán ra ở mức 41,83 – 41,98 triệu đồng/lượng. Giới kinh doanh vàng cho biết, với chuỗi ngày tăng giá liên tiếp, giá vàng trong nước hiện đã lên mức cao nhất từ trước đến nay. So với kết thúc phiên giao dịch đầu tuần (1/8), giá vàng trong nước đã tăng tới 1,8 triệu đồng/lượng.

Sắp chạm mốc 42 triệu đồng/lượng

Trong 7 tháng đầu năm 2011, giá vàng thế giới luôn có biến động trong xu hướng tăng do chịu tác động của các yếu tố như kinh tế thế giới phục hồi chậm, áp lực lạm phát toàn cầu, nợ công và bất ổn chính trị… Đến phiên giao dịch ngày 5/8/2011 giá vàng thế giới tại thị trường Hồng Công đã tăng tiếp 3,4 USD, lên mức 1.667,6 USD/ounce.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, giá vàng vẫn còn khả năng tăng.

Mặc dù đã có chuỗi ngày tăng giá kéo dài nhưng theo ông Hoàng Trung Định, phụ trách kinh doanh của Bảo Tín – Minh Châu, giá vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng: “Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, giá vàng vẫn còn khả năng tăng tiếp do tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Có ý kiến cho rằng, giá vàng thế giới còn có thể lên mức 1.700 USD/ounce, thậm chí lên đến 2.000 USD/ounce”.

Giá vàng trong nước hiện đã tăng 12% từ đầu năm đến nay và tăng đến 40% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng trong tuần trước, giá vàng trong nước đã tăng tới 1,8 triệu đồng/lượng. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, thời gian tới, giá vàng trong nước sẽ tiếp tục đi lên theo xu hướng tăng của giá vàng thế giới. Trong thời gian qua, với diễn biến cung – cầu ổn định, tỷ giá ít biến động, giá vàng trong nước cũng liên tục được điều chỉnh tăng chủ yếu do chịu tác động từ đà tăng của giá vàng thế giới.

Tuy nhiên, ông Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm, giá vàng trong nước còn phụ thuộc nhiều vào tình hình biến động của tỉ giá. Trong tháng 7 nguồn USD có dấu hiệu rút ra khỏi hệ thống chủ yếu là do người dân không muốn găm giữ đồng USD. Như vậy theo dự báo có khả năng sẽ xuất hiện đợt tăng tỉ giá. Hiện nay, Chính phủ đang tập trung ổn định thị trường ngoại hối nhưng tỷ giá vẫn chịu áp lực từ tình trạng nhập siêu vẫn cao, dự trữ ngoại hối ở mức thấp, điều này sẽ tạo nên áp lực cho tỷ giá vào cuối năm nay. Nếu tỷ giá tăng sẽ tạo thêm áp lực để giá vàng tăng.

Người dân tăng cường mua vàng

Trước tháng 7/2011, giá vàng trong nước đã duy trì ở mức 37 triệu đồng/lượng trong một thời gian khá dài. Vì vậy, khi giá vàng lần lượt tăng lên các mức 38 - 39 - 40 triệu đồng/lượng trong thời điểm từ cuối tháng 6/2011 – 7/2011, khá nhiều người dân và các nhà đầu tư đã bán vàng để chốt lời và hiện thực hóa lợi nhuận.

Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 7/2011 và nhất là bước sang tháng 8/2011, khi giá vàng đột biến, vượt qua mức 41 triệu đồng/lượng, xu hướng mua vào lại chiếm áp đảo. Ông Hoàng Trung Định, phụ trách kinh doanh của Bảo Tín – Minh Châu cho biết, trong tuần trước, 80% lượng khách đến giao dịch là để mua vào, khách bán chỉ chiếm khoảng 20%. Lượng khách mua tăng mạnh trong khi lượng khách bán không nhiều khiến trong những ngày cuối tuần (khi một số nhà kinh doanh khác nghỉ giao dịch), Công ty Bảo Tín – Minh Châu thậm chí không cân đối đủ lượng vàng giao cho khách, dẫn tới, khách hàng mặc dù đã thanh toán tiền nhưng không nhận được vàng ngay.
 
Nhiều người đi mua vàng cho biết, họ quyết định mua vàng vì lo ngại giá vàng sẽ còn tăng tiếp. Hơn nữa, do lạm phát cao nên mua vàng là cách hợp lý để bảo toàn tài sản.

Theo giới kinh doanh, nếu nhu cầu mua vàng còn tăng tiếp, giá vàng trong nước sẽ bắt đầu xu hướng tăng cao hơn giá vàng thế giới. Chênh lệch cung cầu giữa mua và bán vàng càng lớn thì giá vàng trong nước sẽ càng cao hơn giá vàng thế giới. Giá vàng trong nước đã có thời gian dài thấp hơn giá thế giới là do nhu cầu bán vàng chốt lời của người dân tăng cao trong khi lượng khách mua vào hạn chế.

Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN