Thị trường nông sản trong nước: Lúa được mùa được giá
Thông tin Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu gạo bình thường trở lại từ ngày 1/5 khiến các doanh nghiệp và người dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long rất phấn khởi. Trong tuần từ 27/4 đến 1/5, giá lúa ổn định, điển hình một số địa phương có lúa nếp cho thu hoạch sớm được mùa được giá.
Trà lúa Hè Thu sớm còn khoảng 1 tháng nữa mới bước vào thu hoạch rộ, nhưng thời điểm này thương lái đã vào tận đồng để đặt cọc, thu mua. Theo Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, tuần qua, ở An Giang, giá gạo thường bán lẻ ở mức 11.000 đồng/kg, gạo Nàng hương là 16.500 đồng/kg, nếp tươi 6.800 đồng/kg, lúa IR 50404 - lúa tươi 5.600 đồng/kg.
Với giá lúa ổn định từ 5.000 - 5.600 đồng/kg và thương lái đẩy mạnh việc thu mua, người trồng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long vụ Hè Thu này sẽ tiếp tục có lãi. Đặc biệt, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang ổn định đầu ra, giá bán đang cao hơn 20% so với cùng kỳ.
Ở Đồng Tháp, lúa nếp vụ Hè Thu 2020 thu hoạch sớm trúng mùa trúng giá, cho năng suất từ 7-8 tấn/ha, có giá từ 6.500-7.000 đồng/kg, cao hơn lúa thơm loại thường 1.000 đồng/kg, nông dân trồng nếp lãi hơn 40 triệu đồng/ha.
Nhiều nông dân ở Đồng Tháp trước đây trồng lúa cấp thấp nay đã chuyển sang trồng nếp để xuất khẩu vì cho giá trị cao hơn, với các giống thường sử dụng để gieo sạ như nếp IR 4625, CK92, nếp Thái… Hiện nay, nhiều hộ trồng lúa nếp được các thương lái đặt cọc mua lúa nếp tươi tại ruộng với giá 6.700 đồng/kg.
Vụ Hè Thu này, tỉnh Đồng Tháp trồng được hơn 23.000 ha lúa nếp, tập trung trồng nhiều nhất là huyện Tân Hồng, Tháp Mười và Thanh Bình. Bà con ở Đồng Tháp đang hướng tăng diện tích sản xuất nếp, vì thị trường tiêu thu nếp ở nước ngoài vẫn ổn định và đang thiếu nguồn cung cấp.
Thị trường tiêu thụ lúa nếp dễ dàng, nhất là thị trường Campuchia và Thái Lan không đủ để cung ứng, tính ra mỗi ha trồng lúa nếp lãi hơn 40 triệu đồng, trong khi đó lúa IR 50404 lãi chưa được 30 triệu đồng/ha.
Về xuất khẩu gạo, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu tuần qua ở mức 458-462 USD/tấn với gạo 5% tấm (so với mức 468 – 472 USD/tấn tuần trước); 448-452 USD/tấn với gạo 25% tấm (so với mức 453 – 457 USD/tấn tuần trước), Jasmine là 573-577 USD/tấn (so với mức 578 – 582 USD/tấn tuần trước).
Trong khi đó, giá cà phê nhân xô tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên cũng hồi phục mạnh. Với mặt hàng cà phê, nguồn từ Diễn đàn của người làm cà phê giá cà phê cho thấy, giá nhân xô tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên ngày hồi phục mạnh so với tuần trước, ở mức 30.400 – 30.700 đồng/kg, tăng từ 1.000 - 1.200 đồng/kg so với tuần trước. Tại cảng Tp. Hồ Chí Minh, cà phê xuất khẩu ở mức 1.285 USD/tấn (FOB).
Vùng cà phê Robusta ở trung tâm Tây Nguyên tiếp tục khô hạn, buộc nhà nông gia tăng đầu tư vào các biện pháp thủy lợi, nên cà phê ở mức giá thấp như hiện nay, người nông dân sẽ không dễ bán ra. Đây là có thể một trong những nguyên nhân khiến giá cà phê tăng nhẹ trong tuần qua.
Thị trường nông sản thế giới: Xu hướng giảm chi phối
Giá các loại nông sản tại Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) chốt phiên cuối tuần qua 1/5 đi xuống giữa bối cảnh xuất hiện những căng thẳng mới trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Khép phiên 1/5, giá ngô Mỹ giao tháng 7/2020 giảm 1,5 xu Mỹ xuống 3,185 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn cũng giảm 7,75 xu Mỹ xuống 5,165 USD/bushel, trong khi giá đậu tương Mỹ giao tháng 7/2020 giảm 5,75 xu Mỹ xuống 8,495 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg, 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Trước đó trong phiên 30/4, giá đậu tương kỳ hạn đã đạt mức cao nhất trong một tuần với mức tăng 2%, sau khi có thông tin rằng các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã tiếp tục mua thêm đậu tương của Mỹ. Bộ Nông nghiệp Mỹ ngày 1/5 xác nhận đã bán 264.000 tấn hạt có dầu cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, các thông tin xuất khẩu đã bị “lu mờ” bởi những căng thẳng thương mại mới giữa hai nước. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/4 cho biết Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 với Trung Quốc hiện chỉ là mối bận tâm “lớn thứ hai” so với đại dịch COVID-19, đe dọa áp thêm thuế quan mới đối với Bắc Kinh liên quan tới sự bùng phát của dịch bệnh này.
Nhưng tính chung trên cả tuần, giá đậu tương giao tháng 7/2020 của Mỹ vẫn tăng 10 xu Mỹ, tương đương 1,2% và chấm dứt chuỗi hai tuần giảm trước đó. Tuy nhiên, giá ngô và giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn lần lượt giảm 1,4% và 2,6% do những lo ngại về nhu cầu của thị trường
Đối với thị trường gạo thế giới, giá gạo tại Ấn Độ, nước xuất khẩu hàng đầu châu Á, đã chạm mức cao của 9 tháng trong tuần nhờ nhu cầu từ các nước châu Phi gia tăng ngay cả khi nguồn cung vẫn bị hạn chế do các lệnh phòng toả để ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và tình hình hạn hán tại Thái Lan.
Theo đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 378-383 USD/tấn trong tuần này, mức cao nhất kể từ tuần đầu tiên của tháng 8/2019 và tăng so với mức 374-379 USD/tấn ghi nhận được trong tuần trước.
Tại Thái Lan, các nhà giao dịch cho biết không có hợp đồng mới nào được ký kết, trong khi tình trạng hạn hán đang diễn ra đã làm hạn chế nguồn cung gạo và khiến giá tăng lên. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 535-557 USD/tấn trong tuần qua, so với mức 530-556 USD/tấn trong tuần trước đó.
Với thị trường cà phê thế giới, nguồn cung hạn hẹp đẩy cà phê Robusta lên giá. Cuối tuần qua, trên thị trường London, giá cà phê Robusta (cà phê vối) giao ngay tháng 7/2020 tăng 5,33% (61 USD) lên 1.205 USD/tấn. Còn tại thị trường New York, giá cà phê Arabica (cà phê chè) giao cùng kỳ hạn giảm 0,56% (0,65 xu Mỹ) xuống 106,1 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,454 kg).
Phiên cuối tuần, giá cà phê Robusta đã chạm ngưỡng cao của 2 tuần khi có dấu hiệu cho thấy nguồn cung toàn cầu đang thu hẹp. Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) ngày 1/5 cho biết lượng cà phê toàn cầu xuất khẩu trong giai đoạn tháng 10/2019 đến tháng 3/2020 giảm 3,9% so với cùng kỳ trước đó xuống còn 61,959 triệu bao (loại 60 kg0.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica đã có lúc rơi xuống mức thấp 1 tháng rưỡi, chủ yếu do sự mất giá của đồng real Brazil so với đồng USD đã ảnh hưởng lớn tới giá loại cà phê trên.
Một yếu tố hỗ trợ cho giá cà phê lượng cà phê trong các kho dự trữ của Mỹ đang giảm dần. Số liệu do Sàn giao dịch liên lục địa (ICE) công bố hôm 1/5 cho thấy lượng cà phê dự trữ của Mỹ đã giảm xuống mức thấp của 2 năm rưỡi là 1,82 triệu bao.
Tuy nhiên, giá cà phê vẫn chịu áp lực từ những mối lo ngại rằng tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra sẽ làm giảm nhu cầu về mặt hàng này. Các nhà môi giới cà phê ở Brazil đã báo cáo rằng một số khách hàng quốc tế, chủ yếu ở châu Âu, đang yêu cầu các lô hàng cà phê từ Brazil lùi thời gian giao đến 90 ngày vì các cơ sở lưu trữ cà phê của họ đã được lấp đầy.
Hồi đầu tháng này, ICO cho biết lượng tiêu thụ cà phê toàn cầu trong năm nay có thể đình trệ hoặc thậm chí giảm thay vì tăng trưởng 2 -3% theo dự báo trước đại dịch.