Nhà nông lao đao vì nông sản mất giá
Dịch bệnh COVID-19 kéo dài, khiến nhiều mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng lớn. Hầu hết các sản phẩm trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến, đã bị tồn đọng hàng chục nghìn tấn tại các địa phương, cũng như ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới cả nước.
Như báo Tin tức đã đưa, xoài chín cây từ các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ đổ về TP Hồ Chí Minh được bày bán la liệt vỉa hè trên các tuyến đường ngoại thành như: Xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh, Phan Văn Trị…với giá chỉ 7.500 đồng/kg.
Theo những người bán xoài, sở dĩ giá rẻ như vậy là do đang vào chính vụ, xoài không xuất khẩu được vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên các tiểu thương mang về thành phố tiêu thụ. So với năm ngoái, giá xoài năm nay giảm chỉ còn bằng 1/2, thậm chí bằng 1/3.
Không chỉ vậy thời gian gần đây, giá gia cầm cũng giảm mạnh ở khu vực phía Nam; trứng gà, vịt “giá rẻ như cho” ở khu vực phía Bắc khiến cộng đồng mạng phải kêu gọi tiêu thụ.
Sau khi biết thông tin các trang trại, hộ chăn nuôi ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) lao đao vì tồn hàng trăm nghìn quả trứng mỗi ngày, nhiều người đã đăng lên mạng xã hội để kêu gọi người thân, bạn bè trên mạng mua hàng. Chỉ sau ít giờ đăng tải, hàng trăm bình luận của mọi người đặt mua hàng đã chia sẻ để lan tỏa thông tin bán hàng giúp cho bà con huyện Ứng Hòa.
Anh Nguyễn Duy Toản, chủ trang trại sản xuất trứng gia cầm xã Viên An, huyện Ứng Hòa chia sẻ: “Mấy ngày nay, sau khi có được sự chia sẻ qua mạng xã hội, tôi đã nhận được nhiều cuộc gọi đến mua hàng”.
Tuy nhiên, anh Nguyễn Duy Toản cũng phải thừa nhận: “Tổng đàn gà, vịt của cơ sở gia đình hiện có 70.000 con, gà đang sắp đẻ mỗi ngày cho 40.000 quả trứng. Nếu như trước Tết, chưa có dịch COVID-19, trứng gà được bán với giá 2.000 đồng/quả, trứng vịt 2.200 đồng/quả, thì hiện chỉ bán được 1.500 - 1.600 đồng/quả. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhiều nhà hàng nghỉ khó tiêu thụ hàng, tiểu thương ép giá chỉ còn 1.300 đồng/quả...”.
Đồng cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Trọng, một người chăn nuôi ở Thường Xuyên, Phú Xuyên (Hà Nội) cũng mệt mỏi vì trứng bị “mắc kẹt” tại nhà mà không bán được cho người tiêu dùng.
"Mặc dù giá trứng gia cầm thấp, nhưng sức mua tại các chợ dân sinh kém, nên lượng bán buôn tại chợ cũng chậm. Trứng sống còn đỡ, nhiều hộ ấp trứng lộn để bán còn gặp khó khăn hơn nữa", anh Trọng chia sẻ.
Không riêng giá trứng, những người chăn nuôi vịt, gà thương phẩm hiện cũng chung cảnh ngộ. Hộ ông N.V.Thành, thôn Viên Ngoại, xã Viên An (Ứng Hòa) vừa xuất bán 4.000 vịt thịt, với giá 25.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi con vịt sau 2 tháng nuôi, gia đình ông phải bù lỗ 20.000 đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn đang nuôi hơn 4 vạn gà đẻ, 2 vạn gà hậu bị, 7.000 vịt đẻ. Với số lượng đàn lớn như hiện nay, mỗi ngày gia đình ông đang phải bù lỗ 20 triệu đồng.
“Người chăn nuôi đang bị dồn tới bước đường cùng. Vốn liếng, gia tài vào dồn đầu tư cả vào đàn gia cầm rồi, giờ bỏ cũng không được”, ông Thành lo lắng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn, hiện nay tổng đàn gia cầm của toàn huyện là hơn 700.000 con, gà thịt là hơn 340.0000 con, tổng lượng trứng sản xuất mỗi ngày là 700.000 quả. Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, trong quý I/2020, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ứng Hòa đã cho vay hơn 38 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Thời điểm này, huyện tiếp tục đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện hỗ trợ người dân được tiếp tục vay vốn sản xuất, có cơ chế giãn nợ đối với những hộ vay trước.
Ngoài ra, để duy trì bảo đảm đàn gia cầm trên địa bàn huyện, đặc biệt là hỗ trợ các hộ chăn nuôi vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, huyện đã phát động chương trình "giải cứu" trứng gia cầm. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các ban, ngành, đoàn thể. “Sau 3 ngày phát động mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và Huyện đoàn đã tiêu thụ được gần 200.000 quả trứng. Hiện các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện vẫn đang tiếp tục phát động phong trào để hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này...”, ông Nguyễn Chí Viễn cho hay.
Kích chuỗi sản xuất đến tiêu thụ
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho hay: Do dịch COVID-19, nhiều nhà hàng, bếp ăn tập thể phải đóng cửa, nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm giảm mạnh, trong khi đó nguồn cung thịt gia cầm tại thời điểm này khá dồi dào.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, giá gia cầm hiện giảm sâu, còn do ảnh hưởng bởi dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 đã xuất hiện ở một số địa phương. Do đó, ngành Chăn nuôi gia cầm đang lâm vào cảnh có nhiều yếu tố bất lợi đến tình hình chăn nuôi, lẫn tiêu thụ.
Tuy nhiên, ngoài yếu tố thị trường, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ còn hạn chế, việc dư thừa nguồn cung nông sản như trường hợp cụ thể của gia cầm đã được dự báo từ trước đó.
Tại hội nghị ngành Chăn nuôi mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường từng cảnh báo, với mức tăng trưởng như trên và tăng liên tục là vấn đề đáng lo ngại.
Thực tế, do tốc độ đàn gia cầm tăng trưởng quá nhanh, cộng với ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nên cả giá thịt gia cầm và trứng gia cầm đang giảm mạnh, khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Nhiều người chăn nuôi không cầm cự được đã phải phá đàn, treo chuồng trại.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, chưa bao giờ Việt Nam có quy mô đàn gia cầm lớn như hiện nay, với gần 500 triệu con. Để giảm bớt rủi ro cho người chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo điều chỉnh giảm mức tăng trưởng về đầu con và sản lượng gia cầm.
Theo đó, Bộ sẽ điều chỉnh giảm sản lượng thịt gia cầm các loại từ 16,5% xuống dưới 10%, trứng từ 14% xuống 9 - 10% và đặc biệt là điều chỉnh chu kỳ sản phẩm giảm cao điểm vào các tháng mùa nóng, nhằm tránh dư thừa gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh xây dựng và chuyển giao các vùng, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh, đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật của thị trường, để nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm.
Trong thời gian qua, dịch COVID-19 đã làm gián đoạn giao thương với thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, không ít ý kiến cho rằng, nếu như COVID-19 qua rồi thì "căn bệnh giải cứu" nông sản của Việt Nam vẫn cứ trầm kha, kéo dài từ năm này sang năm khác, từ mặt hàng này đến mặt hàng khác. Bởi từ lâu, hàng loạt mặt hàng như hành tím, dưa hấu, thanh long, củ cải, su hào, tỏi... đều đã tham gia vào danh sách "giải cứu".
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính), việc lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến ngành Nông sản Việt đối mặt rủi ro. Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), về lý thuyết thì nông sản Việt sẽ có không ít cơ hội thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, rào cản điển hình là nông sản chưa đảm bảo tiêu chuẩn của nhiều thị trường khó tính trên thế giới.
Đánh giá "giải cứu" một số mặt hàng nông sản thời gian qua chỉ là giải pháp tình thế, không giải quyết được gốc rễ vấn đề, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh, về lâu dài, thậm chí biện pháp này còn làm nảy sinh tâm lý ỷ lại, trong khi chất lượng sản phẩm nông sản không được nâng lên.
Theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), vấn đề lo lắng nhất của nông sản Việt Nam và người nông dân vẫn là thị trường. Về dài hạn cần thực sự đa dạng hóa thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến tiêu thụ, nhất là khai thác thị trường trong nước, thay vì chịu ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu...
Như vậy, người nông dân rất cần tầm nhìn mang tính bao quát của các cơ quan quản lý, sự linh hoạt trong giải pháp kết nối với thị trường của các doanh nghiệp để tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tình trạng dư thừa rồi "giải cứu".