Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, thị trường hàng không Việt Nam đã từng bước hồi phục, trước mắt là thị trường nội địa và tiếp theo là quốc tế, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2022 là sớm công bố lộ trình mở cửa lại hoạt động du lịch, phấn đấu mở cửa du lịch trên phạm vi toàn quốc trước ngày 30/3/2022, chậm nhất là ngày 30/4/2022.
Đối với thị trường quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, hành khách quốc tế nói chung và công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nói riêng đã có thể nhập cảnh Việt Nam qua các chuyến bay thường lệ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Bắc (Đài Loan- Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, Hoa Kỳ, Australia, Anh, Pháp, Đức, Nga và không thường lệ từ Hongkong (Trung Quốc), Malaysia, Qatar, Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE, Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không đã triển khai các hãng hàng không nhận khách đảm bảo đơn giản hóa thủ tục liên quan đến hàng không và hành khách chỉ tuân thủ các quy định về nhập cảnh, kiểm soát y tế theo quy định của các cơ quan liên quan.
Tính từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 7/2/2022, tổng lượng khách trên các chuyến bay quốc tế vào Việt Nam đạt hơn 118.000 lượt hành khách.
Tại thị trường nội địa, với việc vaccine COVID-19 được tiêm cho người dân đạt tỷ lệ cao so với thế giới (hiện tiêm gần 200 triệu liều, đứng Top 6 thế giới), Chính phủ và các địa phương kịp thời nới lỏng các hạn chế trong phòng, chống dịch, nên nhu cầu về quê ăn Tết, đặc biệt là nhu cầu đi du lịch tăng mạnh, kéo theo nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.
Cụ thể, lượng hành khách nội địa thông qua các cảng hàng không của Việt Nam trong tháng 1/2022 đã đạt 4 triệu lượt hành khách thông qua. Đặc biệt, trong tuần đầu tiên của năm mới Nhâm Dần 2022, lượng hành khách nội địa thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đã đạt 1,722 triệu lượt hành khách, đạt xấp xỉ tuần đầu tiên năm mới Canh Tý 2020 - thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới và Việt Nam (1,735 triệu lượt khách).
Liên quan đến cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho hãng hàng không mới, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tại Văn bản số 5833/VPCP-CN ngày 17/7/2020, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải nêu tại Công văn số 4620/BGTVT-VT ngày 14/5/2020. Theo đó, “việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022)”.
“Cho đến nay, vẫn chưa có thêm hãng hàng không nào được thành lập kể từ thời điểm ban hành Văn bản 5833/VPCP-CN nêu trên. Vì vậy, việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không trong thời gian qua là phù hợp với chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và thực tế thích ứng linh hoạt với diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay.
Cuối tháng 5/2021, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải về việc chỉ thành lập hãng hàng không kinh doanh vận chuyển hàng không vận chuyển hành khách đến sau năm 2024 và xem xét cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vận chuyển hàng hóa với quy mô đội tàu bay không quá 10 chiếc.
Đề xuất trên được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá là quá sớm và chưa phù hợp so với dự kiến mốc thời gian là năm 2022 đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đồng ý. Tại Công văn số 1021/BGTVT-VT gửi Cục Hàng không Việt Nam vào cuối tháng 1/2022, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu nhà chức trách hàng không đánh giá lại việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho các hãng hàng không mới.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện dịch COVID-19 đã từng bước được kiểm soát và dần đi vào ổn định. Thị trường hàng không tại Việt Nam và các nước có đường bay thẳng tới Việt Nam đã bắt đầu hồi phục. Để có đủ cơ sở xem xét, đánh giá về việc thành lập mới các hãng hàng không trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương đánh giá lại tình hình thị trường và đề xuất phương án.
“Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam đề nghị gửi về Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 10/2/2022 để làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu.
Trước đó, theo kiến nghị của Cục Hàng không Việt Nam tại Công văn số 1572/CHK-VTHK ngày 21/4/2020 rằng, “giai đoạn từ nay đến năm 2022, tạm thời chưa xem xét cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không cho các hãng hàng không mới”, Bộ Giao thông Vận tải có Văn bản số 4620/BGTVT-VT ngày 14/5/2020 về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm những hãng hàng không trong tình hình mới nhằm đảm bảo quản lý nhà nước về hàng không, phát triển bền vững.
Tại văn bản trên, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: “Trước mắt, tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động; việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến 2022).”
Tại thời điểm tháng 1/2022, Cục Hàng không Việt Nam tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép thành lập hãng bay mới.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đã có kế hoạch tổ chức cuộc họp thẩm định Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép theo đề nghị của IPP Air Cargo vào ngày 14/2/2022 và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kết quả thẩm định theo quy định trong thời gian sớm nhất.
Đại diện Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, mặc dù thị trường hàng không đã có nhiều tín hiệu phục hồi, nhưng việc có xem xét cấp phép lập thêm hãng bay mới hay không vẫn cần nhận được ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 6 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và 4 đơn vị có giấy phép kinh doanh hàng không chung là Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Hàng không Hành tinh xanh, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam và Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu.