Truyên truyền sâu rộng
Bình Thuận có vị trí tự nhiên nhiều lợi thế lớn phát triển các ngành kinh tế biển, nhất là khai thác hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản. Sản lượng khai thác hải sản hằng năm đặt hơn 200.000 tấn.
Việc triển khai các giải pháp chống khai thác IUU được Bình Thuận gắn với thực hiện Luật Thủy sản 2017; đồng thời, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp tăng cường ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Theo ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, ngoài các giải pháp chung của cả nước, Bình Thuận chỉ đạo các cấp, ngành tập trung thêm một số giải pháp, nhất là tuyên truyền sâu, rộng, kỹ đến từng đối tượng bằng nhiều hình thức để ngư dân, chủ tàu thuyền thấy được tác hại của vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác bất hợp pháp.
Tuyên truyền ngay tại cửa biển, cảng cá là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thay đổi nhận thức của chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân đang hành nghề khai thác, dịch vụ thủy sản. Chi cục Thủy sản Bình Thuận phối hợp với các Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá phối hợp với chính quyền địa phương vùng biển tổ chức các đợt tuyên truyền cao điểm chống khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài; các quy định trong Luật Thủy sản; tập trung vào các đối tượng chủ tàu cá thường xuyên đánh bắt xa bờ, ít cập cảng.
Tại cảng cá Phan Thiết, nhiều ngư dân và người hoạt động dịch vụ nghề cá cho biết, từ nhiều tháng nay các nội dung như: quy định xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển ngoài; không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; các hành vi cấm, ngư cụ cấm, không ghi, không nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác… thường xuyên được phát trên hệ thống loa tại cảng. Nhờ vậy, họ hiểu được trách nhiệm và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; đồng thời, tuyên truyền tiếp đến người thân, bạn tàu.
Các địa phương vùng biển như La Gi, Phan Thiết, Tuy Phong, Hàm Tân… tổ chức thông báo và mời 100% các chủ tàu, thuyền trưởng của nhóm tàu khai thác xa bờ có nguy cơ vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài, nhóm tàu khai thác giã cào bay, cào nhám, sử dụng xung điện, chất nổ và nhóm tàu liên quan đến công tác khai báo truy xuất nguồn gốc hải sản… gặp trực tiếp để tuyên truyền, phát tài liệu, ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, từ năm 2018 đến nay, Chi cục thủy sản, Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức hơn 80 lớp tuyên truyền Luật Thủy sản tại các địa phương vùng biển với sự tham gia của hơn 6.000 lượt ngư dân, chủ tàu… Hơn 10.000 tờ rơi với các nội dung trọng tâm như: một số quy định pháp luật ngư dân cần biết về khai thác IUU; điều kiện, quy định đối với tàu cá hoạt động tại vùng khơi; xử lý hành vi vi phạm của tàu cá theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ… được cấp phát tận tay đến chủ tàu, ngư dân, cơ sở nậu vựa, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nghề cá…
Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm
Tại chuyến kiểm tra gần đây, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm cũng trưởng đoàn cũng đã yêu cầu Bình Thuận sớm chấm dứt triệt để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Bởi, đây cũng là một trong những điều kiện tiên quyết để gỡ "thẻ vàng" trong đợt kiểm tra của đoàn thanh tra EC.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Bình Thuận đang đẩy mạnh các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất bến, nhập bến; đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển và kiên quyết xử lý mạnh, nghiêm khắc các trường hợp tàu cá vi phạm theo đúng quy định của Luật.
Ngoài việc phối hợp chặt chẽ với các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang…, thời gian tới, Bình Thuận tiếp tục xây dựng và ký kết quy chế phối hợp chống khai thác IUU giữa 3 tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu để quản lý chặt chẽ, hiệu quả tàu cá hoạt động ngoài tỉnh và tàu cá ngoài tỉnh đến hoạt động trên địa bàn, nhất là các nhóm tàu khai thác xa bờ thường xuyên lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh.
Hiện Bình Thuận đã hoàn thành việc thu hồi thiết bị Movimar đối với tàu cá 24 mét và tổ chức lắp đặt xong cho 33 tàu cá có chiều dài lớn hơn 24 mét theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tỉnh đang tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá ngư dân thuộc đối tượng quy định tại Luật Thủy sản 2017; trong đó, tập trung thực hiện đối với các tàu cá hoạt động giã cào bay và nhóm tàu cá hoạt động vùng biển xa bờ có nguy cơ cao xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Giải pháp lâu dài, Bình Thuận tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, trọng tâm là sắp xếp các hoạt động nghề cá trên biển, theo hướng giảm dần số lượng tàu cá thuộc nhóm có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài. Thêm vào đó, tỉnh tiếp tục thực hiện phát triển khai thác hải sản theo hình thức tổ, đội, nghiệp đoàn.
Kiểm soát chặt hoạt động nghề cá
Theo khuyến nghị của EC, để chống khai thác IUU thì việc kiểm tra hồ sơ tàu cá, thiết bị an toàn tàu cá, ngư lưới cụ, giám sát tàu ra vào cảng, kiểm soát sản lượng và giám sát ghi nhật ký khai thác là một trong những nội dung quan trọng cần được thực hiện chặt chẽ.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá đã thực hiện kiểm tra cấp phát hơn 2.000 giấy xác nhận hoạt động kiểm tra, kiểm soát tàu xuất bến và thu hồi 1.149 giấy xác nhận hoạt động kiểm tra, kiểm soát tàu về bến. Ban quản lý các cảng cá Phan Thiết, La Gi, Phan Rí Cửa đã thực hiện giám sát sản lượng qua cảng, thu nhận 1.002 sổ nhật ký khai thác, xác nhận 39 giấy xác nhận khai thác thủy sản với hơn 1.400 tấn hải sản các loại theo đề nghị của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
Tuy nhiên, một số chủ tàu, thuyền trưởng ra vào không chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát; thiếu các thủ tục, giấy tờ, không đăng kiểm lại… Mặt khác, khi hoạt động trên biển, có trường hợp khai thác không đúng ngành nghề, sai vùng, sai tuyến… gây khó khăn cho việc quản lý.
Cụ thể, qua tuần tra, kiểm soát, trong 7 tháng đầu năm 2019, Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã kịp thời phát hiện và xử lý 307 trường hợp vi phạm như: không có giấy phép lặn; không giấy phép khai thác thủy sản; không ghi, ghi không đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản…
Một số ngư dân ở thành phố Phan Thiết chia sẻ, nghề cá truyền thống là nghề khai thác tự do, không khai báo nên khi triển khai một số nội dung về giám sát sản lượng, khai báo giờ xuất bến, ghi chép nhật ký khai thác… người dân còn khá bỡ ngỡ.
Mặc dù biết việc ghi nhật ký khai thác thủy sản mỗi chuyến biển giúp việc truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt dễ dàng và hải sản dễ tiêu thụ hơn nhưng trong lúc đánh bắt, ngư dân chỉ quan tâm đến cá nhiều hay ít chứ chưa quen việc ghi chép nhật ký khai thác vùng biển, sản lượng, chủng loại…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thanh tra hoạt động của tàu cá khai thác thủy sản trên biển và tại cảng. Các Văn phòng Đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng cá tổ chức trực làm việc 24/24 giờ để kiểm soát tàu cá cập, rời cảng và giám sát chặt chẽ sản lượng thủy sản qua cảng; đồng thời, thực hiện xác nhận nguồn gốc nguyên liệu khai thác theo đúng quy định. Lực lượng kiểm ngư, Bộ đội biên phòng và đơn vị liên quan thực hiện chốt chặn các cửa biển; kiên quyết không cho tàu cá xuất bến khi chưa hoàn tất thủ tục và nhắc nhở, vận động ngư dân ghi nhật ký khai thác thủy sản đầy đủ…