Theo đó, mỗi chủ tàu và ngư dân ra khơi cần thực hiện các quy định sau: phải có giấy phép khai thác thuỷ sản; treo cờ Việt Nam khi hoạt động; không vi phạm về khai thác bất hợp pháp; tham gia cứu hộ, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển; phải thông báo cho cảng cá ít nhất 1 giờ trước khi cập cảng; tàu cá khai thác ngoài vùng biển Việt Nam phải có mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế và có văn bản chấp thuận hoặc giấy phép của Tổng cục Thuỷ sản.
Đặc biệt, tàu từ 12m trở lên phải ghi nhật ký khai thác và nộp theo quy định; tàu từ 15m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định, thiết bị hoạt động liên tục 24/24 sau khi rời cảng, kết nối với Hệ thống giám sát tàu cá tại Trung ương và 28 tỉnh ven biển. Thiết bị tự động truyền qua hệ thống vệ tinh tối thiểu 2h/lần (đối với tàu 24m trở lên), và 3h/lần đối với các tàu có chiều dài từ 15 - 24m qua vệ tinh, thông tin di động GMS hoặc thông tin mặt đất.
Dữ liệu giám sát tàu cá được sử dụng làm căn cứ xử phạt, xử lý tranh chấp trên biển, nên thiết bị phải được lưu trữ được số lượng vị trí tối thiểu theo chuyến biển để hỗ trợ giải quyết.
VASEP cho rằng, các quy định này cần được phổ biến rộng rãi nhằm cho ngư dân và chủ tàu được cập nhập thường xuyên, vừa tác động giúp cho EU và các nước thấy rõ được nỗ lực của Việt Nam trong phát triển nghề cá có trách nhiệm, khắc phục "thẻ vàng" IUU.
Dự kiến, tháng 10/2019, đoàn công tác của EC sẽ sang Việt Nam để kiểm tra việc khắc phục "thẻ vàng", đồng thời, đánh giá lại các khuyến nghị mà EC đã đưa ra. Kết quả của đợt kiểm tra, đánh giá lần này của EC sẽ quyết định tới việc Việt Nam có được tháo gỡ "thẻ vàng" hay không.