Nguy cơ nợ xấu tăng trở lại
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế; nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.
Người dân đến giao dịch tại ngân hàng. |
Thống kê mới nhất từ khoảng 10 ngân hàng tính đến 31/3/2017 cho thấy: Tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 1,9% so với con số 1,87% cuối năm 2016. Tổng số nợ xấu tăng thêm 6%, lên 50.695 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu tăng chủ yếu ở nhóm 1 và 2 với lần lượt là 13% và 18%, lên 15.749 tỷ đồng và 7.940 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn tuy giảm nhẹ 0,1% nhưng vẫn chiếm áp đảo với 27.005 tỷ đồng.
“Tư lệnh” ngành ngân hàng đánh giá, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và Đề án “Thành lập Công ty VAMC”, đến nay, việc xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD đã đạt được một số kết quả. Theo đó, các TCTD đã xây dựng và triển khai phương án xử lý nợ xấu, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng. Trong 4 năm, giai đoạn 2012 - 2016, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
“Kết quả xử lý nợ xấu đã góp phần giúp các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, ngành chiến lược theo định hướng tái cấu trúc nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. VAMC bước đầu góp phần xử lý nợ xấu. Tính đến cuối năm 2016, VAMC đã cùng với các TCTD xử lý được 50.139 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 245.924 tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt”, Thống đốc NHNN khẳng định.
Mặc dù các đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu các TCTD trong quá trình triển khai đã đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: Nhiều TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro lớn khiến hiệu quả kinh doanh không cao, thậm chí, nhiều TCTD thua lỗ; tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Việc xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc liên quan đến tài sản bảo đảm.
Ví dụ: Về quyền thu giữ tài sản, Bộ luật Dân sự 2015 đã bỏ quyền thu giữ tài sản đảm bảo của bên nhận bảo đảm, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Về quyền nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì lại liên quan đến quy định của Luật Đất đai. Trong quá trình VAMC xử lý nợ đã mua, khách hàng vay đồng ý bổ sung thêm tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nhưng theo các quy định tại Luật Đất đai 2013, VAMC không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất.
Quá trình xét xử, thi hành án với nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài làm cho việc xử lý nợ xấu thông qua tòa án, thi hành án rất chậm, không hiệu quả. Do đó, việc xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm, bán khoản nợ theo cơ chế thị trường, thu nợ khách hàng vay còn nhiều hạn chế. Nhiều khoản nợ xấu tại các TCTD bị kiểm soát đặc biệt có liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố nên thời gian giải quyết bị kéo dài; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.
Xử lý dứt điểm “cục máu đông”
Để giải quyết khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của TCTD kéo dài từ nhiều năm nay, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD.
“Trong 4 năm (từ 2012 - 2016), toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu”. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng |
Theo đó, nội dung của tờ trình có nêu các quy định tại Nghị quyết nhằm mục tiêu đảm bảo quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD, VAMC cũng như thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, đảm bảo sự an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Điểm mới so với quy định hiện hành tại dự thảo nghị quyết liên quan đến bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường, khoản nợ được mua bán của VAMC, thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm... Dự thảo nghị quyết quy định: chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC được bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường, kể cả việc bán nợ xấu với giá thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ.
Về khoản nợ được mua bán của VAMC, tờ trình nêu rõ, hiện tại, VAMC chỉ được mua nợ xấu hạch toán trong bảng. Quy định này hạn chế đối tượng các khoản nợ xấu được mua bán theo giá thị trường. Do vậy, dự thảo nghị quyết cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoài bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường.
Nội dung đáng chú ý khác là quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Cụ thể, quyền thu giữ chỉ được thực hiện trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận giữa các bên và khi có sự vi phạm cam kết của bên bảo đảm. Dự thảo nghị quyết cũng quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC với các điều kiện thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm chặt chẽ.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, với những bất cập trong việc tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu hiện nay, “cứ có luật là tốt rồi”. Có hành lang pháp lý thì việc giải quyết vướng mắc sẽ hiệu quả, cụ thể; đồng thời giảm sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật hiện nay.