Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết 37 điểm ùn tắc giao thông

Thời gian gần đây, ùn tắc giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục gia tăng nhất là khi thành phố triển khai một số dự án giao thông trọng điểm tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), cảng Cát Lái (quận 2).

Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hiện trên địa bàn còn 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc. Sở Giao thông Vận tải đã tăng cường hệ thống thông tin để hỗ trợ phân làn, chuyển hướng, tăng cường hệ thống camera ở các cửa ngõ; kết nối với đường hầm sông Sài Gòn để kết nối vào dữ liệu giám sát hành trình của tất cả các phương tiện nhằm thông tin cho người dân lựa chọn lộ trình hợp lý.

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải cũng đã thành lập 2 tổ công tác đặc biệt để “giải cứu” ùn tắc giao thông tại khu vực cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất; công bố 492 tuyến đường cấm đào trong năm 2017, tập trung nhiều ở quận 2, 7, 8, 12, Thủ Đức, Tân Bình, Bình Thạnh và huyện Hóc Môn. Đồng thời, tổ chức phân luồng giao thông trên nhiều trục đường có dựu án thi công hoặc mật độ giao thông lớn.

Ùn tắc giao thông tại nút giao Lăng Cha Cả, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Để giải quyết tình hình này, mới đây ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải phải giải quyết cơ bản 37 điểm nói trên trước tháng 6/2017. Đối với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ông Lê Văn Khoa chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án thiết lập các khu vực làm thủ tục "check - in'' kết hợp với dịch vụ trung chuyển bằng xe buýt cho hành khách đi máy bay nhằm giải quyết ùn tắc tại khu vực sân bay.

Còn tại khu vực quận 2, vừa qua UBND Tp. Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải thống nhất quy mô xây dựng nút giao thông An Phú giai đoạn hoàn chỉnh và phân kỳ đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.036,7 tỷ đồng. Việc triển khai dự án không những giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực mà còn tăng cường khả năng giao thông cho tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và đường Mai Chí Thọ (trục đường ra vào cảng Cát Lái).

Cũng tại khu vực cảng Cát Lái, Sở Giao thông Vận tải đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép bổ sung biển báo phụ cấm xe tải từ 1,5 tấn trở xuống lưu thông vào giờ cao điểm theo đường vành đai vào thành phố; cho xe máy đi vào đường dẫn từ đường Mai Chí Thọ đến đường Vành đai 2 để giảm ùn tắc trên nút An Phú và tai nạn trên đường Nguyễn Duy Trinh, khu vực cầu Giồng Ông Tố.

Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố, trong năm 2017, trên địa bàn thành phố sẽ có 53 dự án giao thông được khởi công, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành, trong đó có 4 đường vành đai, 1 dự án đường cao tốc (Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành), 5 dự án nút giao thông, 19 trục đường giao thông đối ngoại, 14 cầu đường bộ… với vốn đầu tư hơn 175.000 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, có những dự án trọng điểm được kỳ vọng sẽ giải quyết được ùn tắc giao thông khu vực như đường nối từ cầu Rạch Chiếc mới đến nút giao Bình Thái, đường Vành đai 3 Tân Vạn - Nhơn Trạch; mở rộng Quốc lộ 22 đoạn ngã tư An Sương đến giáp ranh tỉnh Tây Ninh, cầu đường Bình Tiên đoạn 1, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà; mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, đường nối Bình Thái - Phạm Văn Đồng...


Trần Xuân Tình (TTXVN)
Chuyên gia LHQ nói về ùn tắc giao thông và quá tải đô thị tại Việt Nam
Chuyên gia LHQ nói về ùn tắc giao thông và quá tải đô thị tại Việt Nam

Theo các chuyên gia, bất cập về quy hoạch và sự hạn chế trong quản lý đô thị là những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng quá tải và sự không tương xứng giữa mật độ xây dựng, mật độ dân cư với hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN