Đặc biệt vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường hướng tâm của thành phố, các trục ra vào cảng biển, sân bay... ùn tắc khiến việc di chuyển hết sức khó khăn, chỉ cần một sự cố nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giao thông. Đây là phản ánh chung về bức tranh giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh hiện nay tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Thành ủy TP Hồ Chí Minh với Đảng ủy Sở Giao thông Vận tải thành phố, ngày 13/12.
Quỹ đất giành cho giao thông thấpÔng Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 11 tháng năm 2016 trên địa bàn đã xảy ra 27 vụ ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Tốc độ lưu thông của phương tiện vào giờ cao điểm khu vực trung tâm thành phố chỉ đạt 19,3km/h, khu vực cảng Cát Lái (quận 2) đạt 29 – 30km/h, khu vực Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) đạt 20,3 – 22,3km/h.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng phát biể tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Hiện nay, quỹ đất dành cho giao thông rất thấp, đến hết năm 2016 thành phố có hơn 4.000 km đường giao thông, mật độ đạt 1,98km/km2. Tính đến ngày 15/11/2016, thành phố đang quản lý hơn 7,8 triệu phương tiện, chưa kể hơn 1 triệu phương tiện biển số các tỉnh hàng ngày lưu thông trên địa bàn. Cùng với đó, thành phố có hơn 11.000 xe taxi, hơn 15.000 xe hợp đồng dưới 9 chỗ và 2.764 xe buýt hoạt động hàng ngày.
Trong khi đó, thành phố chỉ mới có gần 30ha dành bến bãi xe buýt, không có bến cho xe taxi (quy hoạch là 81ha cho xe buýt và 3ha cho xe taxi). Tính từ trụ sở UBND thành phố đến ngoại vi 500m cũng chỉ có 59 công trình cao tầng có tầng hầm để xe. Bãi đậu xe ngầm đang triển khai 4 dự án nhưng nhanh nhất cũng phải đến năm 2019 mới đưa vào sử dụng (chỉ có 1 bãi giữ xe cao tầng). Thiếu chỗ để xe nên nhiều xe đã phải dừng đỗ lòng vòng buộc Sở Giao thông Vận tải phải tổ chức cấm đỗ xe trên 77 tuyến đường trung tâm. Đấy là chưa kể 26 vị trí đường ngang giữa đường sắt với đường bộ càng gây thêm tình trạng ùn tắc mỗi khi có tàu chạy, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Theo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, trong 11 tháng năm 2016, lượng hàng hóa qua cảng Cát Lái tăng 6,94% so với cùng kỳ năm 2015, xe ra vào cảng tăng 16,5%. Trung bình mỗi ngày có 17.000 lượt xe ra vào cảng Cát Lái, dự kiến năm 2017 sẽ tăng thêm 5%, khiến giao thông khu vực trở nên khó khăn. Hiện nay chỉ có 20% phương tiện ra vào cảng Cát Lái làm thủ tục điện tử, 80% còn lại vẫn phải làm trực tiếp tại cảng.
Để giảm tải cho cảng Cát Lái, cải thiện giao thông khu vực, đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, sẽ tiến tới việc tăng giao nhận hàng hóa tại cảng Cái Mép (Bà Rịa Vũng Tàu), Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh). Cùng với đó, thành phố cần sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý để vào giữa năm 2017 khởi công dự án đường nối cảng Cát Lái với đường Vành đai 2. Mặt khác, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ dự án nút giao Mỹ Thủy, sớm nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định (lộ giới 60m) đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cảng Cát Lái.
Ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho hay, từ khi khi đưa vào khai thác, tốc độ phát triển hàng năm của cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây tăng 20 – 30%/năm. Mỗi ngày cao tốc phục vụ 35.000 phương tiện, cao điểm lên đến 55.000 phương tiện/ngày, vượt quá mức cho phép.
Về vận tải hàng không, ông Đỗ Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết, năm 2016 ước tính lượng khách qua Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đạt 32,6 triệu lượt (năm 2015 là 26,5 triệu lượt), riêng 10 ngày Tết nguyên đán 2017 sẽ có khoảng 1 triệu lượt hành khách. Do đó, tình trạng ùn ứ chắc chắn sẽ xảy ra.
Thu hồi quỹ đất không đúng mục đích cho giao thông
Tại buổi làm việc, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố ngày càng trở nên nặng nề, gây bức xúc dư luận. Thành phố cần thẳng thắn nhìn nhận để tìm các giải pháp trước mắt và lâu dài, công trình và phi công trình, xác định trách nhiệm cá nhân, đơn vị quản lý để nâng cao năng lực quản lý, giải quyết ùn tắc và tai nạn giao thông.
Theo ông Đinh La Thăng, trước mắt chính quyền thành phố phải rà soát lại quy hoạch và các văn bản pháp luật về hạ tầng đô thị, các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời, phân công làm rõ chức năng của từng cơ quan, đặc biệt là các quận huyện. Cùng với đó cần loại bỏ tình trạng bảo kê trong kinh doanh vận tải, xử lý dứt điểm nạn xe dù bến cóc trên địa bàn, tăng cường hoạt động của các hãng xe taxi, nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt. Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ dự án nút giao thông Mỹ Thủy, di dời bến xe miền Đông, miền Tây ra khu vực nội thành.
Đối với tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cho rằng, chủ đầu tư (VEC) cần tiến tới giải pháp thu phí tự động để tránh ùn ứ phương tiện. Với sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất phải điều tiết lại tần suất bay của các hãng hàng không theo hướng tăng các chuyến không vào giờ cao điểm gắn với giảm sâu giá cước để thu hút người dân đi lại, tránh tình trạng dồn thời điểm.
Ngoài ra ông Đinh La Thăng cũng chỉ đạo UBND thành phố rà soát, thu hồi quỹ đất sử dụng không đúng mục đích để dành cho hệ thống giao thông đô thị.
Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, việc giải quyết ùn tắc giao thông không chỉ có trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải mà còn phải cả các quận huyện, các đơn vị đóng trên địa bàn thành phố. Đối với việc lập lại trật tự lòng lề đường 159 tuyến đường trên địa bàn, cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu quận huyện nếu tình hình không chuyển biến. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ dự án đường nối cảng Cát Lái với đường Vành đai 2, cần phải đầu tư xây dựng nút giao thông khác mức An Phú (quận 2) để giải quyết ùn tắc cho khu vực cảng Cát Lái, tăng cường lực lượng tham gia điều tiết, phân luồng tại các khu vực hay ùn tắc.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, đối với những điểm nóng ùn tắc giao thông, trong năm 2017 Sở sẽ nghiên cứu tổ chức 1 chiều lưu thông các cặp đường Cộng Hòa – Trường Chinh – Hoàng Văn Thụ, Phan Văn Trị - Lê Quang Định, tổ chức lại giao thông khu vực nút giao Hàng Xanh, giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh – Lê Văn Lương. Đối với khu vực trung tâm, sẽ tổ chức 1 chiều cặp đường Trần Quốc Thảo – Lê Quý Đôn, cấm taxi dừng lưu thông theo giờ trên đường Lê Thánh Tôn và Lý Tự Trọng, cấm xe tải lưu thông trên đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Tất Thành, tổ chức lưu thông một số tuyến đường theo phương thức lưu thông theo ngày chẵn, lẻ.
Về giải pháp công trình, đáng lưu ý, trong năm 2017 thành phố sẽ ưu tiên tập trung hoàn tất các thủ tục để khởi công, hoàn thành đưa vào sử dụng 6 công trình (nhu cầu vốn 1.380 tỷ đồng) giảm ùn tắc cho khu vực Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, 14 công trình cho khu vực cảng Cát Lái (nhu cầu vốn gần 5.000 tỷ đồng) và 55 dự án (nhu cầu vốn 32.200 tỷ đồng) cho khu vực trung tâm, cửa ngõ thành phố…