Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và đưa ra mục tiêu khởi công 2 dự án nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn của sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong tháng 6/2020, chuyển đổi từ hình thức PPP (họp tác công tư) sang đầu tư công để khởi công 8 dự án cao tốc Bắc - Nam trong tháng 8/2020 và khởi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong tháng 10/2020.
“Các dự án này, Chính phủ sẽ trình lên Quốc hội để xin ý kiến. Chúng ta phải bám sát các cơ chế, chỉ đạo của Chính phủ để có những giải pháp hành động kịp thời, không thể chậm trễ. Vụ Hợp tác công tư chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch Đầu tư và cơ quan chức năng trong quá trình tham mưu các văn bản chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 8 dự án cao tốc Bắc - Nam và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các Ban Quản lý dự án quy trình chuyển đổi hình thức đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.
Trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các đơn vị liên quan, ban quản lý dự án phải làm ngay việc xác định số lượng gói thầu và đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng, hệ thống đường công vụ... để khi Quốc hội chấp thuận chủ trương, Chính phủ ban hành nghị quyết là khởi công ngay các dự án cao tốc Bắc - Nam trong tháng 8/2020.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong khi chờ ý kiến của cơ quan thẩm quyền về việc chuyển đổi hình thức đầu tư, 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang triển khai theo hình thức PPP vẫn phải tuân thủ đúng các chỉ đạo trước đây. Các Ban Quản lý dự án và đơn vị liên quan cần sớm kết thúc công đoạn sơ tuyển nhà đầu tư, hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu, mẫu hợp đồng theo hình thức PPP.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phải đẩy nhanh tiến độ tối đa đối với những công trình giao thông đang triển khai xây dựng (cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, dự án sửa mặt cầu Thăng Long, cao tốc Cam Lộ - La Sơn…) và ưu tiên đặc biệt đối với các dự án trọng điểm chuẩn bị khởi công xây dựng.
Về tình hình triển khai 14 dự án giao thông quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn ngân sách 15.000 tỷ đồng, riêng 10 dự án đường bộ (có tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng) còn một số dự án chậm tiến độ, người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu giám đốc các Ban Quản lý dự án phải vào cuộc chỉ đạo sát sao, quyết liệt.
Cũng tại cuộc họp, liên quan đến hoạt động giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân được 7.497 tỷ đồng (đạt 17,3% kế hoạch), trong khi bình quân cả nước khoảng 13%.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, nếu nhìn vào con số có thể vui mừng, nhưng xét về bản chất lại lo bởi thực tế, số vốn giải ngân trong tháng 3/2020 hơn 7.000 tỷ đồng chủ yếu là vốn thu hồi tạm ứng. "Từ tháng 4 trở đi gần như không còn khối lượng thu hồi tạm ứng, các Ban Quản lý dự án sẽ phải căn cứ vào thực lực. Nếu chúng ta không có khối lượng ngoài công trường, không có hồ sơ thanh quyết toán thực tế thì sẽ không có gì để giải ngân”, Bộ trưởng nói.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Ban Quản lý dự án phải rà soát, xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể từng tháng để tập trung chỉ đạo, dứt khoát không để tình trạng ngân chậm.