Trong 6 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh trên nhiều loại thủy sản diễn biến phức tạp hơn cùng kỳ năm trước. Tại Hội nghị sơ kết tình hình sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2012 do Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hôm qua (2/7), một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành thủy sản xác định từ nay đến cuối năm là tập trung nguồn lực để giải quyết vấn đề này.
Tôm bệnh thiệt hại 5.500 tỷ đồng
Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho biết, theo số liệu thống kê của 7 tỉnh nuôi tôm trọng điểm, đến ngày 15/6, diện tích đã thả giống là 614.814,6 ha (giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2011).
Mô hình nuôi tôm chân trắng trên cát hiệu quả cao tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Phương Vy - TTXVN |
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản những tháng đầu năm gặp rất nhiều khó khăn. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Những tháng đầu năm nay, dịch bệnh xảy ra trên tôm gay gắt hơn về cả mức độ và phạm vi. Nếu như năm ngoái chỉ xảy ra một số tỉnh miền Đông của Nam bộ thì năm nay xảy ra ở hầu hết các tỉnh ở ven biển miền Bắc, miền Trung, miền Tây Nam bộ. Theo số liệu thống kê đến ngày 15/6, tổng diện tích bị thiệt hại xấp xỉ 39.000 ha và thiệt hại ước tính là 5.500 tỷ đồng. Đa phần diện tích thiệt hại là diện tích thâm canh.
Trong đó, diện tích tôm sú là 35.823 ha, tôm thẻ chân trắng 2.499 ha tập trung tại các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An, Kiên Giang. Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân chính là do sốc môi trường, bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy, con giống kém chất lượng, ao nuôi không được cải tạo kỹ, một số ao bị bệnh xả nước thải chưa được xử lý ra môi trường xung quanh.
Không chỉ đối với tôm mà ở nhiều loài thủy sản khác dịch bệnh cũng có chiều hướng gia tăng. Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng của ngành nông nghiệp tổ chức ngày 29/6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thông tin ngư dân Đồng Tháp cũng cho biết năm nay dịch bệnh trên cá tra nhiều hơn những năm trước. “Vấn đề dịch bệnh đang rất nan giải, đe dọa phát triển bền vững của ngành tôm nói riêng và thủy sản nói chung”, Bộ trưởng Cao Đức Phát lo ngại.
Tập trung nhiều giải pháp
Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng nhưng thực tế chưa xác định được đầy đủ nguyên nhân gây bệnh trên tôm nên chưa có phác đồ điều trị và xử lý triệt để. Các biện pháp phòng ngừa truyền thống vẫn tiếp tục được thực hiện nhưng khó đảm bảo khả năng khống chế được khi dịch bệnh phát sinh.
Vì thế, theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo việc tập trung nghiên cứu để xác định đầy đủ tác nhân và nguyên nhân gây ra dịch bệnh tôm là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Tất cả các đơn vị phải ưu tiên mọi nguồn lực có thể để triển khai việc này. Cụ thể, huy động các Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và Viện Môi trường nông nghiệp tiếp tục tìm nguyên nhân gây bệnh trên tôm làm cơ sở chỉ đạo phòng chống dịch bệnh. Tổng cục Thủy sản sẽ mời các tổ chức quốc tế và huy động các nhà khoa học cùng vào cuộc để hỗ trợ. “Tổng cục Thủy sản cũng đang hợp tác với Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng một số chuyên gia ở Hoa Kỳ và Thái Lan để nghiên cứu về vấn đề này. Hiện tại mẫu đã được gửi đi phân tích và trao đổi thông tin, cập nhật thường xuyên”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết.
Từ nay đến hết năm, ngành thủy sản xác định tăng cường các biện pháp giám sát trong quá trình nuôi. Một mặt, kiểm soát chặt nguồn con giống, mặt khác, khuyến cáo nông dân sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học đúng liều lượng, thời gian, quy trình và thức ăn không sử dụng các loại có trộn kháng sinh bị cấm. Bộ NN&PTNT yêu cầu bà con phải dành ra một diện tích nhất định để xử lý nước; thả mật độ thấp, chỉ những vùng có điều kiện mới nuôi thâm canh, còn lại phải chuyển sang bán thâm canh hoặc quảng canh cải tiến để hạn chế rủi ro.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng cuối năm, ngành thủy sản tiếp tục triển khai giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh: tăng cường phối hợp với lực lượng thú y và hải quan kiểm soát những mặt hàng nhập khẩu; kiểm tra hoạt động của các đơn vị dịch vụ bán các hóa chất chế phẩm sinh học.
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cũng cho biết, Bộ đang tổng kết một số mô hình hiện tại vẫn có hiệu quả để phổ biến cho nông dân học tập. Đồng thời, Bộ cũng đang kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh mức hỗ trợ thiệt hại cho người nông dân vì hiện nay, mức hỗ trợ còn quá thấp so với thiệt hại của người nuôi tôm.
“Cần tăng vốn đầu tư hạ tầng vùng nuôi vì hiện tại hạ tầng xấu, đầu tư còn thấp. Nếu như hạ tầng không tương xứng thì dịch bệnh sẽ còn tiếp diễn”, ông Phạm Anh Tuấn đề xuất.
Mạnh Minh