Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên cho biết, dự án sẽ ảnh hưởng trên 300 hộ dân, bố trí tái định cư hơn 100 hộ. Khó khăn lớn nhất khi triển khai dự án đó là việc đo đạc, xác định lại nguồn gốc đất, một số đoạn trên tuyến vướng đường ống dẫn nước sạch, bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng.
Theo ông Đông, dự án nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 25 thuộc dự án cấp bách, đã được cấp vốn, thời gian thi công rất ngắn đến tháng 6/2021 phải hoàn thành, việc giải phóng mặt bằng chậm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tiến độ thi công dự án.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng cho dự án, đồng thời kiểm đếm, đo đạc giải thửa, xác định nguồn gốc đất, lên phương án chi trả bồi thường cho người dân một cách sớm nhất.
Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến cũng đã có văn bản yêu cầu các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa và thành phố Tuy Hòa tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng trước ngày 30/6. Riêng đoạn dài hơn 1,5km qua địa bàn huyện Phú Hòa phải thực hiện tái định cư hoàn thành việc giải phóng mặt bằng trước ngày 30/9.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Hòa cho biết, qua kiểm đếm có 325 hộ dân trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng khi cải tạo nâng cấp quốc lộ 25; trong đó, 115 hộ tại xã Hòa An và thị trấn Phú Hòa phải di dời tái định cư.
Đến nay, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng, đo đạc, kiểm kê tài sản đối với gần 100 hộ, đồng thời huyện cũng đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành khung giá đất, sau khi có giá đất huyện sẽ tiến hành ngay đền bù cho người dân. Đến ngày 30/6, huyện sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng theo đúng chỉ đạo của tỉnh.
Về phương án bố trí tái định cư cho người dân di dời thực hiện dự án, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Hòa Nguyễn Ngọc Tường cho biết, ngoài việc tập trung kiểm kê tài sản, lên phương án bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng, huyện cũng đã chủ động dành quỹ đất bố trí tái định cư cho 110 hộ dân ở xã Hòa An và thị trấn Phú Hòa bị ảnh hưởng do thi công dự án.
Khu vực tái định cư được bố trí ở vị trí các trục đường lớn, giao thông thuận lợi, đa số các hộ dân bị ảnh hưởng đều đồng tình với phương án bố trí tái định cư của huyện và mong muốn dự án sớm được triển khai.
Là một hộ dân bị ảnh hưởng do thi công Quốc lộ 25 ông Lê Văn Trung, xã Hòa An, huyện Phú Hòa chia sẻ, Quốc lộ 25 qua xã Hòa An thường xuyên xảy ra tai nạn, thời gian gần đây hay bị tắc đường vào những giờ cao điểm. "Nhà nước đầu tư mở rộng nâng cấp quốc lộ khiến người dân rất vui, chúng tôi mong rằng dự án hoàn thành sớm, không để kéo dài làm ảnh hưởng nhiều đến người dân sống ở hai bên quốc lộ", ông Trung nói.
Trước thực trạng Quốc lộ 25 qua hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai nhiều đoạn đã xuống cấp, lượng phương tiện lưu thông nhiều, gây ùn tắt giao thông vào các giờ cao điểm, ngày 30/8/2019, Bộ Giao thông vận tải đã Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 25.
Dự án được thực hiện từ năm 2020 đến năm 2021, với tiêu chuẩn đường cấp III, vận tốc thiết kế 60-80 km/h, tổng mức đầu tư dự án là 730 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng, cấp bách theo Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH14 ngày 31/7/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên, tỉnh được phân bổ nguồn vốn 300 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên tuyến gồm: đoạn từ Km0+00-Km0+600 qua thành phố Tuy Hòa, mở rộng làn đường 22m với 4 làn xe; đoạn 2 từ Km0+600-Km2+700 và Km10+800-Km13+500 qua địa bàn huyện Phú Hòa và đoạn từ Km44+100 - Km47+142,23 qua huyện Sơn Hòa.
Quốc lộ 25 dài hơn 180 km nối từ tỉnh Phú Yên với tỉnh Gia Lai. Việc triển khai cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên tuyến nhằm từng bước hoàn thiện và đồng bộ với các đoạn tuyến trên tuyến đã được xây dựng, nâng cấp, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến do chưa đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch; đồng thời, góp phần kết nối phát huy vai trò tuyến đường ngang huyết mạch kết nối từ Quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên.