Diễn biến khó lường
Tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Cục Phòng vệ thương mại ngày 9/8, ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, tính đến hết tháng 7, Cục đã tiến hành điều tra chống bán phá giá để bảo vệ sản xuất trong nước 4 vụ việc, thẩm định hồ sơ 3 vụ việc và rà soát cuối kỳ 1 vụ việc, theo dõi hiệu quả áp dụng biện pháp chống bán phá giá 2 vụ việc. Đáng lưu ý, hầu hết các vụ việc này tập trung vào ngành hàng như thép, tôn màu, nhôm, ván gỗ, đường lỏng…
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng xem xét sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm sợi DTY, ống thép, bột ngọt. Cùng đó là xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số hàng hoá trong nước chưa sản xuất được nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo ông Lê Triệu Dũng, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại góp phần bảo vệ việc làm cho trên 100.000 người lao động, khuyến khích sản xuất trong nước.
Không dừng lại ở đó, những ngành sản xuất đang được bảo vệ bởi các biện pháp phòng vệ thương mại đã đóng góp khoảng 6,3% GDP của cả nước, tăng nguồn thu cho ngân sách, giảm nhập khẩu ồ ạt nhiều mặt hàng giúp nhiều doanh nghiệp thoát khỏi thua lỗ, từng bước ổn định sản xuất.
Tuy nhiên, trong bối cảnh bảo hộ gia tăng Việt Nam đã tiếp nhận thêm 7 vụ việc phòng vệ thương mại và trước đó đã tiến hành xử lý 7 vụ việc khởi xướng và 4 vụ việc rà soát.
Tại buổi làm việc, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cũng chia sẻ: rủi ro áp lực phòng vệ thương mại rất cao vì căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Hiện, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước nên xu hướng nhiều doanh nghiệp ở các nước sẽ lợi dụng các FTA này để gian lận xuất xứ và lẩn tránh.
Bên cạnh đó, trong 2 quý đầu của năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu và châu Mỹ giảm ở một số thị trường nhưng vẫn tăng 14,2%.
Cũng theo ông Tạ Hoàng Linh, mặc dù Việt Nam đang ở trong nhóm nước đang phát triển nên được miễn trừ tự vệ nhưng với đà tăng xuất khẩu này Việt Nam có thể ở trong danh sách bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và không được miễn trừ tự vệ. Vì vậy, cần triển khai tốt Đề án chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
Chỉ ra những bất cập trong hiểu biết về hội nhập nói chung và phòng vệ thương mại nói riêng khi chưa có sự thống nhất và phối hợp thực hiện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa, có sự hạn chế nhất định về nguồn lực và quy mô, điều kiện tiếp cận, nắm bắt thông tin thương mại quốc tế, bao gồm phòng vệ thương mại.
Hơn nữa, những trường hợp phải rút kinh nghiệm từ các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp như trong lĩnh vực thuỷ sản là rất thường xuyên.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để không chỉ ngành, lĩnh vực thuỷ sản, nông sản mà cả ngành công nghiệp để doanh nghiệp có sự nhận thức đầy đủ trong thương mại quốc tế tập trung làm phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng thẳn thắn chỉ ra việc nắm bắt thông tin về thương mại quốc tế, hội nhập và phòng vệ thương mại của các địa phương còn hạn chế. Chính vì thế, phải tập trung tổ chức, phối hợp thực hiện, tăng cường vai trò của địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.
Nỗ lực nhiều giải pháp
Thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại cho thấy, nếu như năm 2018 chỉ có 13/37 số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến thì trong 6 tháng đầu năm nay, số mặt hàng này đã tăng lên con số 15.
Đáng lưu ý, những mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu lớn sang thị trường Mỹ như sơ sợi dệt tăng 92,87%, sắt thép tăng hơn 81%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 51%, điện thoại và linh kiện tăng 13%, điện dây cáp điện hơn 100%, máy quay phim và thiết bị điện tử 83%, nguyên phụ liệu dệt may da giày tăng hơn 50%…
Hơn nữa, các mặt hàng này cũng nhập khẩu tăng đột biến và đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ, đặt ra vấn đề cảnh báo cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng bởi những nguy cơ gian lận xuất xứ . Đây cũng là vấn đề Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải kiểm tra và xử lý nghiêm.
Để chủ động trong xử lý tranh chấp thương mại, theo ông Lê Triệu Dũng, Cục Phòng vệ Thương mại đã đề ra mục tiêu thực hiện trong những tháng cuối năm.
Cụ thể là việc triển khai Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025.
Cùng đó là việc hoàn thành các vụ việc phòng vệ thương mại đang tiến hành điều tra, triển khai điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại mới cũng như thông báo và tiến hành rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại; xử lý yêu cầu miễn trừ các biện pháp phòng vệ thương mại.
Mặt khác, Cục cũng phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng theo dõi các mặt hàng nhập khẩu có dấu hiệu gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước để kịp thời tham vấn, điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp (như sợi, đường lỏng, que hàn).
Hơn nữa, Cục thực hiện các nhiệm vụ về phòng vệ thương mại trong khuôn khổ Đề án xử lý các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương.
Ông Lê Triệu Dũng cũng khẳng định: Từ nay đến cuối năm, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ (Đề án 824).
Theo đó, Cục sẽ phối hợp với các bên liên quan hoàn thành việc thành lập Tổ thường trực thực hiện Đề án, xây dựng cơ chế phối hợp triển khai trong Tổ, triển khai các nhiệm vụ.
Mặt khác, Cục sẽ tập trung hoàn thiện và cập nhật hàng tháng danh mục các nhóm mặt hàng xuất khẩu đi các thị trường trọng điểm có nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; nghiên cứu, xây dựng Trung tâm chia sẻ dữ liệu về xuất xứ, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Ông Lê Triệu Dũng cho biết thêm: Ngay sau buổi làm việc này, Cục sẽ phối hợp với đơn vị chủ trì xử lý các nội dung liên quan đến kiểm tra, để phát hiện các hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ theo Kế hoạch triển khai Quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành về phòng chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa.