Hiệu quả từ những công trình
Vài năm trở lại đây, bộ mặt thôn Kim Tiến, xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã có sự thay đổi rõ rệt. Con đường nội thôn đã được bê tông hóa, nhà văn hóa thôn mới được xây dựng khang trang với khoảng sân rộng, hàng rào bao quanh. Một dự án xây dựng tuyến nước sinh hoạt cũng đang được triển khai... khiến người dân nơi đây rất phấn khởi.
Ban giám sát cộng đồng họp bàn và tập huấn thực hiện. |
Ông Phạm Hữu Quyết, thôn Kim Tiến cho biết, để xây dựng con đường nội thôn, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền, mỗi người dân đều tham gia đóng góp ngày công lao động và mỗi hộ gia đình đóng góp 200.000 đồng. Nếu như trước đây, người dân chỉ “đứng ngoài”, đóng góp tiền và không biết quy trình thực hiện ra sao, thì nay, toàn bộ kinh phí, chi tiêu từng hạng mục nhỏ nhất như cái đinh, hạt sỏi cho đến bê tông, cốt thép... đều được công khai, mọi người đều được tham gia đóng góp và giám sát trong quá trình thực hiện. Tất cả những kết quả đó là nhờ vào hoạt động của Ban giám sát cộng đồng tại xã.
Theo đó mô hình đồng thuận trong quản lý và sử dụng đất đai được thực hiện trên địa bàn xã Kim Hóa với sự giúp đỡ của Liên minh Đất đai (Landa) và Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) thực hiện từ tháng 7/2014. Ông Trần Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Kim Hóa cho biết, Ban giám sát cộng đồng cấp thôn được thành lập tại 2 thôn Kim Lũ 1 và Kim Tiến, có nhiệm vụ giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai, cụ thể là trong việc xây dựng nông thôn mới. Ban giám sát có nhiệm vụ xây dựng quy chế, kế hoạch giám sát, đồng thời đánh giá kế hoạch sử dụng đất và xây dựng các công trình giao thông nội thôn.
Nhờ sự đồng thuận của người dân, đến nay, thôn Kim Tiến đã xây dựng kế hoạch và làm được 1 tuyến đường bê tông có chiều dài 190 m và 1 tuyến đường đã được giải tỏa làm dự án, thiết kế. Ban giám sát cùng với nhân dân luôn có mặt tại công trình trong thời gian thi công để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Nhờ đó, chất lượng công trình được đảm bảo, việc quy hoạch đất đai được nhân dân đồng thuận. Còn thôn Kim Lũ q đã họp dân, xây dựng kế hoạch, giải tỏa làm dự án, thiết kế để làm tuyến đường nội thôn dài 300 m. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 85 tuyến đường với tổng chiều dài 44.246 m, 4 cầu vượt qua đường sắt, ngầm tràn vượt sông Gianh...
Cầu nối người dân và chính quyền
Ông Huỳnh Ngọc Nam, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Kim Hóa cho biết, thành viên ban giám sát của xã gồm đại diện các ban ngành đoàn thể nòng cốt như cựu chiến binh, hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên và 4 người đại diện do người dân trong thôn bầu ra. Ban giám sát này ngoài nhiệm vụ tham gia và giám sát các công trình của thôn còn là cầu nối giữa người dân và chính quyền, tuyên truyền đường lối, chủ trương pháp luật đến người dân.
“Ví dụ như khi thực hiện công trình giao thông của xã cần giải tỏa một phần đất, chặt cây của các hộ gia đình. Có thể có vài hộ ban đầu không đồng thuận nhưng nhờ Ban giám sát cộng đồng, người dân đã hiểu và vui vẻ thực hiện”, ông Nam cho biết.
Tuy nhiên, trưởng ban Giám sát thôn Kim Tiến, xã Kim Hóa, Phan Thanh Cảnh cho biết, ban đầu ban giám sát cũng gặp ít nhiều khó khăn khi người dân chưa hiểu được vai trò của Ban giám sát cộng đồng. Thành viên của ban chủ yếu là người trong thôn, năng lực trình độ còn hạn chế, chưa am hiểu về giám sát, đặc biệt là các lĩnh vực quy hoạch, sử dụng đất, hạ tầng... và tất cả thành viên đều tham gia không có phụ cấp hay kinh phí hỗ trợ nào. Nhưng sau thời gian được tập huấn và thực hiện thực tế thì ban giám sát đã có thêm nhiều kinh nghiệm và ngày càng được người dân tin tưởng.
Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Tuyên Hóa Lê Xuân Hoài đánh giá, việc chính quyền và người dân tìm được sự đồng thuận trong quản lý, sử dụng đất đai đã góp phần giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong quá trình xây dựng các công trình hạ tầng, thực hiện các kế hoạch sử dụng đất một cách công bằng, hiệu quả, giảm thiểu các khiếu kiện, khiếu nại và thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án. Tại thôn Kim Tiến, đã có 60 hộ tham gia hội nghị ký kết, biểu quyết và bỏ phiếu đồng thuận với kế hoạch sử dụng đất của thôn, xã; tại thôn Kim Lũ 1 có 125 hộ tham gia.
“Có thể thấy, khi có cơ chế cho người dân tham gia, đóng góp ý kiến thì chính sách sẽ phát huy được hiệu quả và có sức sống lâu dài hơn. Do đó, mô hình ban giám sát cộng đồng cần được nhân rộng, khi quá trình xây dựng nông thôn mới còn rất nhiều công trình cần thực hiện. Chúng tôi sẽ xem xét báo cáo để đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình này”, ông Lê Xuân Hoài khẳng định.