Tạo chuyển biến trong đảm bảo an toàn thực phẩm

Nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng qua việc siết chặt kỷ cương đẩy lùi nạn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 43/2018/TT-BCT về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp với chiều hướng gia tăng và ngày càng khó kiểm soát.

Chú thích ảnh
Người dân vẫn khó tiếp cận được với thực phẩm sạch. Ảnh: Đan Phương/TTXVN

Để hiểu rõ hơn quy trình kiểm tra, giám sát cũng như làm thế nào để giải quyết vấn đề này, nhất là tại địa phương phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Bách, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh.

Thưa ông, những thông tin liên quan đến việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân. Với chức năng quản lý và bảo vệ thị trường tại địa bàn lớn nhất cả nước, Cục quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh đã, đang thực hiện những biện pháp gì nhằm góp phần duy trì thị trường thực phẩm sạch?

Thời gian qua, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm đã nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm, nhiều sản phẩm uy tín trong nước đáp ứng được nhu cầu về chất lượng, mẫu mã sản phẩm nên được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ chưa đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng nguyên liệu để sản xuất không rõ nguồn gốc và xuất xứ, không đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Do đó, Cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 1857/KH-QLTT về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo tới các Đội quản lý thị trường, các đơn vị, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện nghiêm kế hoạch kiểm tra.

Cùng với đó, Cục Quản lý thị trường thành phố cũng đã ban hành kế hoạch kiểm tra định kỳ 2019 với khoảng 2.000 địa điểm sản xuất, kinh doanh thực phẩm và thực phẩm chức năng trên địa bàn thành phố đến hết tháng 10/2019. Điều này bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm, thực phẩm chức năng và bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Vậy, việc chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường kiểm tra kiểm soát tại các địa điểm nóng cũng như việc phối hợp với lực lượng chức năng trong đẩy lùi thực phẩm bẩn được thực hiện như thế nào?

Mặc dù, thành phố đã triển khai đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm bẩn theo chuỗi thực phẩm an toàn, tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn rất nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ kinh doanh các sản phẩm chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo chất lượng.

Chính vì vậy, Cục Quản lý thị trường đã phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất UBND thành phố ban hành quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn để kiểm tra, xử lý vi phạm.

Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường phối hợp với các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, các đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận, huyện... kiểm tra hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm gia súc, gia cầm và các sản phẩm thực phẩm khác có nguy cơ gây mất an toàn cao cho người sử dụng.

Đặc biệt, Cục Quản lý thị trường thành phố còn tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan trao đổi thông tin nghiệp vụ; kiểm tra và xử lý có hiệu quả đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc và xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, vi phạm trong lĩnh vực công nghiệp.

Để việc kiểm soát quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn hiệu quả hơn, Cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh có đề xuất gì?

Hiện nay, thương mại điện tử là kênh phổ biến để giới thiệu, phân phối thực phẩm và thực phẩm chức năng nhập lậu, không rõ nguồn gốc và xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…Từ đó, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chấp hành tốt quy định của pháp luật.

Việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm hành chính có liên quan đến thực phẩm đang kinh doanh trực tiếp trên thị trường vốn đã rất phức tạp và khó khăn thì những vi phạm trong môi trường thương mại điện tử còn phức tạp hơn nhiều.

Bởi, kiểm tra qua thương mại điện tử rất khó để xác định được đối tượng vi phạm và nơi chứa thực phẩm vi phạm để kiểm tra, xử lý các thông tin trên các website, các trang mạng xã hội thường là thông tin giả, không đúng sự thật.

Cùng với đó, việc giao dịch mua bán qua điện thoại, tin nhắn, môi trường mạng internet và phổ biến là giao nhận thực phẩm bằng xe gắn máy với số lượng ít nên rất cơ động và khó phát hiện.

Hơn nữa, khi đã xác định được  đối tượng vi phạm và tiến hành kiểm tra để xử lý thì đối tượng cho rằng website thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như facebook, zalo… không phải do các đối tượng này thiết lập để kinh doanh mà là do các đối tượng khác đã giả mạo để giới thiệu, kinh doanh thực phẩm vi phạm. Không những thế, sản phẩm được giới thiệu trên các trang thương mại điện tử buộc phải giao hàng hóa hữu hình cho người mua.

Vì thế, việc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan đến việc kinh doanh thực phẩm hữu hình của các đối tượng kinh doanh trên các website thương mại điện tử là rất quan trọng, cần thiết và cấp bách.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, vận động người tiêu dùng tham gia mua sắm thực phẩm qua ứng dụng thương mại điện tử tại các website thương mại điện tử uy tín, đã được thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Do vậy, khi nhận được thực phẩm người tiêu dùng phải kiểm tra kỹ hàng hóa có đảm bảo chất lượng và còn hạn sử dụng, có nhãn hàng hóa hoặc giấy tờ, chứng từ chứng minh việc giao dịch.

Mặt khác, người tiêu dùng phải kịp thời thông tin, tố giác đến các cơ quan chức năng các trường hợp mua bán thực phẩm qua mạng vi phạm các qui định của pháp luật để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật là rất quan trọng. Ngoài ra, lực lượng chức năng cần thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, chế tài xử phạt đối với các hành vi kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng có nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Mới đây Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành Quy chế phối hợp liên ngành đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh theo Quyết định số 19/2018/QĐ-UBND nhằm tăng cường trách nhiệm và quy định về phân công, phân cấp cũng như phối hợp giữa các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo chuyển biến tích cực trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân thành phố.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Uyên Hương/TTXVN (Thực hiện)
Triển khai kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm
Triển khai kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm

Bộ Công Thương vừa ban hành Kế hoạch triển khai thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương năm 2019 nhằm triển khai Kế hoạch số 1475/KH-BCĐTƯATTP ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN