Theo đó, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các bộ, ngành, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành, địa phương và các dự án có khả năng tốt hơn.
Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm trong năm 2021, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đang xây dựng Chương trình công tác với nhiều giải pháp cụ thể. Trước hết, về xây dựng chế độ, chính sách, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành trong quý I/2021 Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công nhằm tạo khung khổ pháp lý đồng bộ về quản lý, thanh toán, quyết toán các dự án đầu tư công theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục minh bạch hóa quy trình thanh toán, quyết toán, quy định rõ trách nhiệm giữa chủ đầu tư, các đơn vị liên quan và cơ quan thanh toán trong quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư.
Về các chính sách khác, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp luật về Ngân sách nhà nước, đầu tư công, xây dựng, quy hoạch..., kiến nghị hướng dẫn rõ hoặc sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, thuận lợi cho quá trình triển khai các chương trình, dự án đầu tư công.
Cơ quan tài chính cũng thực hiện kịp thời việc kiểm tra phân bổ vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm đảm bảo việc giao kế hoạch vốn theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.bNgoài ra, kịp thời đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện việc phân bổ chi tiết đến từng chủ đầu tư, từng dự án và nhập dự toán trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) để đảm bảo nguồn vốn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giải ngân của các dự án.
Ngành tài chính chủ động theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo điều hành đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.
Người đứng đầu ngành tài chính cũng khẳng định, đầu tư công có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương cũng như của cả nước. Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Đó là, chủ động rà soát sửa đổi cơ chế kiểm soát thanh toán vốn đầu tư để phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công; đơn giản hóa thủ tục kiểm soát chi với nguyên tắc thanh toán trước, kiểm soát sau; rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán từ 7 ngày xuống còn 1 đến 3 ngày làm việc; rút ngắn thời gian rút vốn nước ngoài chỉ còn 1 ngày; tăng cường thực hiện kiểm soát chi, rút vốn và giải ngân qua hệ thống công nghệ thông tin,…
Bộ Tài chính cũng ban hành các văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương triển khai việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư cho các dự án; nhập hết kế hoạch vốn đầu tư lên hệ thống Tabmis để làm cơ sở kiểm soát, thanh toán vốn. Đồng thời, hướng dẫn công tác kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán kế hoạch vốn đầu tư bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 sang năm 2020; có các văn bản hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc về giải ngân các dự án ODA chuyển từ cơ chế ghi thu ghi chi sang giải ngân theo cơ chế trong nước theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 14/7/2020 của Chính phủ. Nhờ đó, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đã có sự chuyển biến tích cực so với năm 2019. Ước tính đến ngày 31/12/2020, chi đầu tư phát triển đạt 82,8% dự toán (cùng kỳ đạt 62,9%).