Tăng sức cạnh tranh về hạ tầng giao thông

Theo công bố mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh về hạ tầng giao thông của Việt Nam tăng 9 bậc, cao hơn các nước Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines... Tuy nhiên, ngành giao thông xác định sẽ tiếp tục đầu tư đồng bộ, giảm chi phí đầu tư hơn nữa, nhằm tăng sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.


Đột phá hạ tầng


Theo Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) Trần Bảo Ngọc, để có được sự cải thiện đáng kể về chỉ số cạnh tranh, Bộ GTVT đã thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi quy trình quản lý, sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trạm thu phí QL39 bắt đầu vào tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Từ năm 2014 - 2015, ngành vận tải đã tái cơ cấu thị trường nội địa, giảm thị phần vận tải bằng đường bộ. Trên các hành lang vận tải chính ngành đã tăng thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không. Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí xuống mức trung bình của nhóm nước ASEAN - 6.

Theo WEF, chỉ số cạnh tranh về chất lượng đường bộ giai đoạn 2015 - 2016 của Việt Nam đứng thứ 93, tăng 11 bậc (giai đoạn 2014 - 2015 đứng thứ 104); chất lượng đường sắt giai đoạn 2015 - 2016 đứng thứ 48, tăng 4 bậc (giai đoạn 2014 - 2015 đứng thứ 52); chất lượng cảng đứng thứ 76, tăng 12 bậc (giai đoạn 2014 - 2015 đứng thứ 88); chất lượng hàng không đứng thứ 75, tăng 12 bậc (giai đoạn 2014 - 2015 đứng thứ 87).

So sánh mức tăng chỉ số cạnh tranh cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam so với các nước lớn trong khu vực châu Á như: Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia... có thể thấy chỉ số của Việt Nam đã có mức tăng đột phá.

Nhận định về chỉ số xếp hạng của WEF được thực hiện tại 140 nước, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: ‘‘Ngành GTVT đã có đóng góp rất tích cực trong việc cải thiện chỉ số cạnh tranh quốc tế. Hai năm 2014 - 2015, hạ tầng giao thông đã được cải thiện đáng kể. Đơn cử, như dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đầu tư theo hình thức BOT sẽ thông toàn tuyến vào tháng 12/2015, sẽ gỡ nút thắt hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước hoàn thành sớm hơn dự kiến 18 tháng; 26/38 dự án nâng cấp, mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ cơ bản hoàn thành trong năm 2015, sớm hơn một năm so với kế hoạch... sẽ tạo điều kiện thông thương, kết nối vùng miền cả nước.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nhận định: Hầu hết các dự án hạ tầng đều hoàn thành vượt tiến độ. Để có được kết quả này, trong suốt quá trình triển khai, đặc biệt là giai đoạn nước rút, hàng tháng, lãnh đạo Bộ GTVT đều kiểm điểm tiến độ từng dự án tại hiện trường, kịp thời thay thế ngay các chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém.

Ngoài ra, theo các chuyên gia giao thông, ngành hàng không đã tiếp tục “ghi điểm”, với hơn 151.000 chuyến bay, trong đó tỷ lệ chậm chuyến chiếm gần 16%, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2014, nằm ở Top đầu khu vực và mức khá trên thế giới. Ngành đường sắt đã triển khai hệ thống bán vé tàu điện tử tự động, để mang lại tiện lợi tối đa cho hành khách về chất lượng dịch vụ...

Góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia


Các chuyên gia cho rằng, sự cải thiện về năng lực cạnh tranh của hạ tầng giao thông rất có ý nghĩa trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 19/NQ - CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều này cũng ghi nhận đúng nỗ lực của ngành GTVT trong việc xây dựng đường cao tốc, cải thiện về giao thông đô thị và nhiều giải pháp khác. Nhờ nhiều công trình cầu vượt, đường tránh được xây dựng tại các thành phố, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã cải thiện đáng kể.

Theo chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Có hai điểm nhấn chính trong lĩnh vực GTVT là chúng ta đã có những dự án ODA rất lớn để xây dựng hạ tầng. Đặc biệt, ngành GTVT đã thực hiện khá tốt việc chuyển nhượng, xã hội hóa đầu tư, kể cả thu hút nguồn vốn BOT để xây dựng hạ tầng. Vì vậy, những đánh giá của WEF là khách quan, phản ánh đúng nỗ lực và thực tế tại Việt Nam. Để tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các giải pháp như: Thu hút các nguồn vốn BOT, PPP, chuyển nhượng khai thác hạ tầng. Bên cạnh đó, cần có sự rà soát tổng thể các quy hoạch để loại bỏ những chồng chéo, không cần thiết, bổ sung những gì còn thiếu. Đặc biệt, cần có sự thống nhất trong quy hoạch ở cấp quốc gia để khai thác tối đa hiệu quả của các công trình như: Cảng biển, nhà ga, sân bay và hạ tầng đối ngoại...

Tiến Hiếu
Tạo sự đột phá về hạ tầng giao thông
Tạo sự đột phá về hạ tầng giao thông

Hàng loạt dự án cán đích trong 9 tháng qua đã giúp ngành giao thông vận tải tạo đột phá về hạ tầng, cải thiện đáng kể năng lực giao thông. Đó là thông tin được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa ra tại sơ kết 9 tháng đầu năm 2015, tổ chức ngày 13/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN