Ngày 7/7, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, mức tiêu thụ hàng hóa không tăng cao như năm trước. Để kích thích nhu cầu mua hàng thì việc giảm giá cũng như có các chính sách hỗ trợ tín dụng, rà soát các mức thuế VAT được xem là giải pháp hữu hiệu.
Tổng bán lẻ tăng thấp
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê (TCTK), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm đạt 1.724,034 tỷ đồng, tăng 9,46% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức bán lẻ 6 tháng đầu năm chỉ tăng 7,6%, thấp hơn so với năm 2015. Đại diện TCTK phân tích, khi mặt bằng giá tăng lên, thu nhập chưa có sự thay đổi thì khả năng mua hàng sẽ có xu hướng giảm.
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại hệ thống siêu thị Co.op mart TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN |
“Kinh tế đang có xu hướng phục hồi, thị trường bất động sản bắt đầu ấm lên, nhu cầu tập trung vốn cho hoạt động đầu tư sẽ tăng lên nên nguồn tiền nhàn rỗi và cho chi tiêu sẽ bị cắt giảm. Do vậy, việc chi cho các nhu cầu về du lịch, dịch vụ giải trí giảm, chủ yếu tập trung cho tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày đối với các nhóm như: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng gia đình. Đặc biệt, tình hình thu ngân sách giảm do ảnh hưởng của giá dầu thô, các chính sách giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp nên chi tiêu công cũng bị cắt giảm”, ông Nguyễn Lộc An nói.
Đánh giá về mặt bằng giá 6 tháng đầu năm nay, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm nay tăng 1,72% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng tuy có cao hơn so với bình quân 6 tháng đầu năm 2015 (+0,86%) nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Mức tăng chung cũng thấp hơn so với mức tăng phổ biến của các nhóm hàng (khoảng trên 2%) và thấp hơn nhiều so với mức tăng mạnh của nhóm thuốc, dịch vụ y tế và nhóm giáo dục. Nguyên nhân do nhóm giao thông và bưu chính viễn thông đã giản lần lượt 9,37% và 0,6%, giúp kéo mặt bằng giá chung giảm xuống.
Nới lỏng chính sách tiền tệ, ổn định mặt bằng giá
Để thúc đẩy tăng trưởng, tiêu thụ hàng hóa và kiềm chế lạm phát, Bộ Công Thương đã kiến nghị một số giải pháp phát triển thị trường, tăng trưởng lưu thông hàng hóa. Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nội địa thông qua các hoạt động đưa hàng về nông thôn, khuyến mại; xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Theo ông An, nếu giảm lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm tích lũy trong dân; đồng thời có các chương trình hỗ trợ vay tiêu dùng cá nhân sẽ góp phần kích thích chi tiêu. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tăng chi ngân sách cho các gói tín dụng Nhà nước và các dự án Nhà nước đầu tư cho các tỉnh có thu ngân sách 6 tháng đầu năm tốt.
Không chỉ kiểm soát giá cả, các chuyên gia thương mại cũng cho rằng, Nhà nước cần rà soát các mức thuế giá trị gia tăng (VAT) hiện hành và xem xét giảm thuế VAT các mặt hàng tiêu dùng nhằm giảm giá hàng hóa, kích thích tiêu thụ.
Liên quan tới việc kiểm soát giá cả những tháng cuối năm, PGS.TS Ngô Trí Long bày tỏ: Về CPI, nếu với sự điều hành thận trọng, dự báo tốc độ lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ ở mức khoảng 4,2%. Điều này không lo ngại so với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 5% mà Chính phủ đặt ra từ đầu năm nhưng không nên chủ quan. Ông Long cũng không loại trừ việc lạm phát 2016 sẽ vượt qua mức 5% do mặt bằng giá trong năm nay có thể sẽ có những diễn biến phức tạp đến từ nhiều yếu tố ngoại sinh như thị trường thế giới và biến đổi khí hậu (gây xáo trộn trên thị trường lương thực); việc Anh rời khỏi EU... và nội sinh như khả năng kiểm soát cung tiền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và biến động của tổng cầu.
Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, để kiềm chế lạm phát dưới 5%, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, Bộ Tài chính tăng cường thu nợ đọng thuế và triển khai thu kịp thời phần bán vốn cổ phần của Nhà nước ở một số doanh nghiệp. Bộ Công Thương tiếp tục các biện pháp mạnh mẽ nhằm chống buôn lậu, gian lận thương mại; phối hợp với các hiệp hội ngành hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, NHNN phối hợp với Bộ Tài chính trong phát hành trái phiếu Chính phủ nhằm duy trì mặt bằng lãi suất ổn định. Phấn đấu giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành địa phương cần tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí; đặc biệt đối với những hàng hóa dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Đồng thời, giám sát chặt chẽ kê khai giá của các doanh nghiệp đối với các mặt hàng bình ổn và mặt hàng bắt buộc phải kê khai giá.