Sáng nay 24/6, Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng 1,72%. Như vậy, so với chỉ tiêu CPI cả năm ở mức dưới 5% mà Quốc hội đưa ra, mức tăng chỉ số lạm phát 6 tháng đầu năm vẫn ở mức an toàn.
Mức tăng chỉ số lạm phát 6 tháng đầu năm ở mức an toàn. Theo đó, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính (quyền số cao trong rổ tính CPI) có 10 nhóm tăng. Trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất 2,99%, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,55%, hàng ăn uống dịch vụ tăng 0,21%, văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,18%, may mặc, giày dép tăng 0,06%, thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,06%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%, giáo dục tăng 0,06%...
Về nguyên nhân làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ thống kê giá cho biết trước hết do giá xăng tăng 920 đồng/lít, dầu diezezen tăng 880 đồng/lít làm CPI tăng 0,27%. Tiếp đến là nhóm thực phẩm tăng 0,36% do tâm lý người tiêu dùng lo ngại vụ cá chết ở một số tỉnh miền Trung nên chuyển sang tiêu dùng thịt gia súc, gia cầm khiến giá tăng. Bên cạnh đó, do thời tiết khô hạn ở các tỉnh miền Trung và miền Nam ảnh hưởng đến diện tích rau trồng nên giá rau tăng cao, kéo dài ảnh hưởng sự tăng giá của thực phẩm. Một yếu tố nữa là do nắng nóng xảy ra từ tháng 5 nên nhu cầu tiêu dùng điện tăng làm chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,27%, làm CPI cả nước tăng 0,03%. 6 tháng đầu năm 2016, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và nhu cầu xây dựng tăng, cộng với giá nguyên liệu đầu vào thế giới tăng cũng đẩy giá nhóm ngành này tăng. Cuối cùng là nhóm dịch vụ du lịch tăng 0,48% do học sinh nghỉ hè, nhu cầu du lịch tăng khiến nhóm dịch vụ du lịch tăng…
Vẫn theo bà Thủy, thống kê biến động tăng giá của các nhóm ngành chính phản ánh sự tăng giá là tích cực, bởi chủ yếu tăng giá trong các nhóm ngành sản xuất, dịch vụ. Một yếu tố quan ngại CPI 6 tháng cuối năm có thể tăng là lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, lãi suất ngân hàng, tỉ giá, giá vàng không tiềm ẩn yếu tố gây tăng giá. Nhìn chung, chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2016 đang thuận lợi cho các hoạt động của nền kinh tế và chính sách điều hành giá của Chính phủ, giúp ổn định kinh tế vĩ mô. CPI 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,72% giúp ổn định nền kinh tế.