Đây là thông tin từ Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội" do Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức ngày 22/8.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, Hải Dương đã tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách.
Ngoài cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh Hải Dương đã ban hành một số cơ chế chính sách riêng đặc thù của tỉnh. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác thực hiện tín dụng chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh đến nay đạt 33,2 tỷ đồng, tăng 123% so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 40 - CT/TW.
Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Hải Dương đã có gần 200.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Từ đó, góp phần giúp đỡ 38.755 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 7.000 lao động; giúp hơn 600 hộ nghèo và gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 20.000 học sinh - sinh viên được vay vốn học tập; xây hơn 200.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và 310 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác…
Thông qua nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội đã tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hộ nghèo, góp phần hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển và Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Dương Quyết Thắng đề nghị, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh Hải Dương đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình tín dụng chính sách, trách nhiệm của đối tượng chính sách vay vốn trong việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của nhà nước.
Bên cạnh đó, phối hợp, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động hỗ trợ công tác giảm nghèo, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... với tín dụng chính sách xã hội để đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.
Các ngành chức năng vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đóng góp bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.
Cùng với việc tuyên truyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cũng cần tích cực giám sát, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, giúp người dân được vay vốn thuận lợi và sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hải Dương cần phát huy hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch xã, tổ tiết kiệm và vay vốn, công khai chính sách tín dụng ưu đãi để nhân dân biết, giám sát.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng mong muốn trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách Xã hội nghiên cứu có thể chọn Hải Dương thí điểm triển khai một số chương trình tín dụng như chương trình vay mua nhà ở xã hội,. Từ đó, tạo điều kiện cho lao động ngoại tỉnh, công nhân các khu công nghiệp có điều kiện mua nhà ở.
Theo thống kê, mạng lưới hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội phủ kín địa bàn với 3.203 tổ tiết kiệm và vay vốn ở tất cả các thôn, khu dân cư và 264 điểm giao dịch tại 264 xã, phường, thị trấn. Trong 5 năm qua, số vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt trên 5.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh luôn được kiểm soát ở mức dưới 0,1%/tổng dư nợ.