Thoát nghèo nhờ tín dụng chính sách ở vùng sâu, vùng xa của Lâm Đồng

Các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội khẳng định tính ưu việt của một hình thức đầu tư xóa đói giảm nghèo, tạo nền tảng cho người dân vươn lên. Tín dụng chính sách đã khẳng định vai trò "động lực", giúp người dân Lâm Đồng vượt nghèo bền vững. 

Chú thích ảnh
Hoạt động thu lãi đúng thời gian tại huyện Đạ Tẻh. 

Chúng tôi đến các xã vùng sâu vùng xa, ngập trũng các huyện Ðạ Tẻh, Cát Tiên những ngày cơn bão số 3. Ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây mưa to, gió lớn khắp Lâm Ðồng, khiến nhiều nông dân gặp khó. Ông Vũ Đức Huệ, Hội nông dân thôn Tân Thành, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh dẫn chúng tôi tới thăm mô hình do Hội nông dân quản lý.

Ông Vũ Đức Huệ tâm sự, khi các nguồn vốn về đến xã, được xã phân về tới thôn, người dân được họp, xét để vay theo đúng mục đích, đối tượng. Các hộ vay đóng lãi, gốc đầy đủ, đúng kỳ hạn. Hiện nguồn vốn do Hội nông dân quản lý trên 1 tỷ đồng nhưng không có nợ quá hạn". 

Chú thích ảnh
Người dân được hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội nhờ tín dụng chính sách xã hội. 

Nhờ nguồn này của Ngân hàng chính sách, gia đình ông Vũ Đức Huệ đầu tư vào sản xuất trồng dâu nuôi tằm và thiết bị nước sạch. Từ đó, kinh tế gia đình ông Huệ phát triển, đã trả hết vốn vay và lãi suất năm 2018. Tuy vậy, kinh tế của xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh vẫn còn không ít khó khăn trong thời gian tới. Ông Huệ mong muốn nguồn vốn về sản xuất kinh doanh tại những vùng khó khăn sẽ tiếp tục được kéo dài thời gian và tăng thêm nguồn vốn sản xuất.  

Cách nhà ông Huệ không xa là gia đình chị Vũ Thị Nhung. Khi chúng tôi đến, chị Nhung đang đốt lửa sưởi ấm cho kén bằng bếp than, vì trời mưa kéo dài. Trước kia, chị Nhung thuộc diện hộ nghèo nhưng từ năm 2012, chị Nhung tiếp cận được vốn của ngân hàng chính sách, sau khi nuôi tằm được 2 năm gia đình chị thoát nghèo.

Chú thích ảnh
Các mô hình trồng dâu nuôi tằm giúp người dân thoát nghèo tại huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên.

 Chị Nhung cho biết, từ nguồn vốn tín dụng chính sách của ngân hàng chính sách xã hội, trước chị vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo, rồi vay 50 triệu đồng nữa, gia đình chị đã có vốn để làm ăn và vươn lên thoát nghèo. 

Tại vùng "rốn lũ" như huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, cứ đến mùa mưa bão người dân rất lo lắng, bởi khi lũ về mà dâu chưa kịp cắt, lũ rút - lá dâu bám đầy bùn, tằm ăn vào sẽ chết. Khi mưa gió thì người nuôi tằm đứng ngồi không yên vì thiếu lá dâu cho tằm ăn.

Nhà ông Đỗ Phúc Ngư (thị trấn Phước Cát – huyện Cát Tiên) đang chăm 2,5 hộp tằm 1 tuần tuổi, ngay sau nhà là 1 mẫu dâu xanh tốt. Trước đây, diện tích dâu này, ông bà trồng điều và xen canh cacao cho thu nhập chưa quá 5 triệu/sào/năm, lại nuôi con nhỏ, nên là diện hộ nghèo của xã. Qua 2 năm chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm, ông bà đã thoát nghèo.

Với số vốn vay chương trình hộ cận nghèo 50 triệu từ 2016 ngân hàng chính sách, 30 triệu hỗ trợ kiến thiết cơ bản của Hội Nông dân, ông bà đầu tư nhà tằm và nong kén để nuôi tằm bài bản. Gia đình vay 70 triệu chương trình học sinh sinh viên cho 2 con học đại học… Hiện gia đình thu nhập mỗi tháng là 10 triệu đồng (sau khi trừ chi phí). Ông Ngư khẳng định: "Dù đang là thời điểm giá kén đã giảm hơn một nửa so với năm trước nhưng đến kỳ trả sẽ lo được và chắc chắn là thoát nghèo".

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi bò giúp người dân thoát nghèo tại huyện Cát Tiên. 

Ông Nguyễn Thanh Quang - Chủ tịch UBND xã Đạ Lây (huyện Đạ Tẻh) cho biết, nhờ các chương trình hỗ trợ đầu tư cho sản xuất và an sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm giảm đáng kể. Cụ thể, cuối năm 2011, hộ nghèo ở xã Đạ Lây chiếm tỷ lệ 20,77%, đến cuối 2017 giảm từ 5,76% xuống còn 4,54% đầu 2019, phấn đấu cuối 2019 còn 3,5%.

Hiện, hộ nghèo tập trung vào đối tượng già, mất sức lao động. Công tác tín dụng ngân hàng được thực hiện tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vay, trả vốn. Tỷ lệ nợ lãi, vốn gốc của các hộ vay tại 2 ngân hàng Agribank và Ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn đang ở mức thấp. Tính đến giữa năm 2019, riêng tổng dư nợ vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội đạt gần 12,8 tỷ đồng/582 lượt hộ vay 7 chương trình; trong đó, tỷ trọng lớn cũng tập trung cho sản xuất nông nghiệp là trồng lúa, cây ăn quả, nuôi bò... 

Theo ông Quang, tình hình thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ở xã Đạ Lây đảm bảo nguồn vốn được phân bổ đến đúng đối tượng, người vay sử dụng nguồn vốn hiệu quả… Từ đó, góp phần cùng xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào tháng 3/2019.

Nhưng hiện nguồn vốn này còn ít và người dân có nguyện vọng các cấp quan tâm tăng nguồn vốn ủy thác nhiều hơn để có nguồn vốn cho vay và tạo động lực để người dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thời gian tới.

Đặng Tuấn  (TTXVN)
Thái Nguyên: Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhờ nguồn vốn chính sách xã hội
Thái Nguyên: Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhờ nguồn vốn chính sách xã hội

Ngày 16/8, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN