Bộ Nội vụ Đức (BMI) mới đây công bố rằng đến cuối năm 2026, các linh kiện do các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và ZTE sản xuất sẽ không còn được sử dụng trong việc xây dựng mạng di động 5G thế hệ mới của Đức. BMI yêu cầu các thành phần hiện có phải được thay thế trước cuối năm 2029.
Chính phủ Đức coi mạng 5G là "cơ sở hạ tầng quan trọng" vì sự cần thiết của nó đối với ngành năng lượng, giao thông vận tải, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ tài chính. Lệnh cấm được đưa ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về mối quan hệ giữa các công ty công nghệ Trung Quốc và chính phủ nước này. Các chính phủ phương Tây lo ngại rằng việc trao nhiều ảnh hưởng cho các công ty như Huawei và ZTE có thể gây rủi ro cho cơ sở hạ tầng quốc gia.
Tuy nhiên, một động thái hợp tác khác giữa Đức và Trung Quốc đang gây chú ý. Luxcara, công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Hamburg, Đức, đã ký hợp đồng với công ty Trung Quốc Ming Yang để cung cấp các tua-bin cho một dự án điện gió ngoài khơi bờ biển Đức. Theo Luxcara, quyết định chọn Ming Yang dựa trên một cuộc thẩm định kỹ lưỡng bao gồm chuỗi cung ứng, tuân thủ tiêu chuẩn ESG của EU và an ninh mạng, với sự hỗ trợ của các chuyên gia độc lập.
Nguồn cung cấp năng lượng cũng được xem là cơ sở hạ tầng quan trọng tại Đức, khi nước này đặt mục tiêu sản xuất 80% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2035. Năng lượng gió được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai. Dữ liệu chính thức cho thấy trong ba tháng đầu năm, 38,5% tổng lượng điện sản xuất tại Đức đến từ năng lượng gió.
Lars Haugwitz, cố vấn cấp cao tại Luxcara, cho biết công ty đã chọn những tua-bin mạnh nhất cho dự án công viên gió Waterkant. Ông cho biết Ming Yang là công ty duy nhất có thể cung cấp tổ máy công suất 18,5 megawatt đúng hạn vào năm 2028 và quyết định này dựa trên việc xem xét kỹ lưỡng các đề nghị trong quá trình đấu thầu quốc tế.
Trước đây, công ty Đan Mạch Vestas và nhà sản xuất Đức-Tây Ban Nha Siemens Gamesa đã chiếm ưu thế trong lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi ở châu Âu. Tuy nhiên, các nhà điều hành trang trại gió của Đức hiện đang xem xét các công ty Trung Quốc như là nhà cung cấp. Tập đoàn năng lượng khổng lồ RWE cũng đang xem xét các công ty Trung Quốc do nguồn cung tua-bin gió ở châu Âu hạn chế và nhu cầu cao.
Mặc dù RWE cho biết hiện chưa có nhà cung cấp Trung Quốc trong danh mục điện gió của mình, công ty đang xem xét các sản phẩm của các nhà cung cấp châu Á và liệu chúng có đáp ứng các yêu cầu về công nghệ, chất lượng, an toàn và hiệu quả về chi phí hay không.
Michael Tenten, Giám đốc điều hành của Pure ISM, cho biết các công ty châu Á thường dẫn đầu về công nghệ mới chủ yếu vì lý do kinh tế, với thiết bị có sẵn nhanh hơn. Tuy nhiên, Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW) cho biết vào năm 2022, hơn 99% các công ty niêm yết của Trung Quốc nhận trợ cấp từ nhà nước và được tiếp cận dễ dàng với nguyên liệu thô quan trọng, công nghệ chuyển giao và hỗ trợ trong các quy trình mua sắm công. Điều này làm cho sản phẩm từ Trung Quốc có giá cạnh tranh hơn, mặc dù vấn đề đó có thể làm tăng chi phí và sự khan hiếm của sản phẩm cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh ở Đức.
Ông Tenten cũng nêu rõ lo ngại về bảo mật dữ liệu, khi các nhà sản xuất thường vận hành các trung tâm điều khiển riêng để giám sát các trang trại gió, và việc các trung tâm này không đặt tại Đức có thể gây rủi ro từ bên ngoài. Tuy nhiên, Lars Haugwitz tại Luxcara cho biết, rủi ro này chỉ mang tính lý thuyết, vì không có liên kết dữ liệu trực tiếp giữa công viên điện gió ngoài khơi của Đức và nhà sản xuất tua-bin Trung Quốc. Việc kiểm soát, vận hành và bảo trì các tua-bin sẽ được thực hiện hoàn toàn tại Đức.