Hãng tin TASS dẫn lời ông Sergey Ryabkov nêu rõ nếu các quan chức trong chính quyền Đức tin rằng việc triển khai các hành động có thể dẫn tới căng thẳng là thỏa đáng thì Nga cũng sẽ đáp trả bằng các biện pháp mà nước này cho là phù hợp.
Theo ông Ryabkov, với năng lực tổng hợp của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nga cần điều chỉnh phản ứng mà không cần do dự. Ông cho biết thêm có rất nhiều lựa chọn, đồng thời khẳng định đây không phải là lời đe dọa mà là cách tìm ra phương pháp hiệu quả nhất để ứng phó với những thách thức đang thay đổi.
Ông Ryabkov cho rằng tình hình vẫn khó lường khi các nước phương Tây vẫn kiếm cớ để cáo buộc Nga xâm phạm an ninh của các nước này. Những điều này sẽ không ngăn cản Nga nỗ lực đảm bảo an ninh dọc theo toàn bộ biên giới quốc gia.
Trước đó, ngày 10/7, các chính quyền tại Washington và Berlin ra thông báo chung về việc Mỹ sẽ bắt đầu triển khai hỏa lực tầm xa ở Đức vào năm 2026, “có tầm bắn xa hơn đáng kể so với các hỏa lực mặt đất hiện có ở châu Âu”. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov lo ngại rằng những kế hoạch như vậy làm tăng khả năng xảy ra cuộc chạy đua tên lửa và có thể dẫn đến leo thang không kiểm soát được.