Sức mua giảm tới 70%
Ngày 14/5, tại các truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, lượng người mua thịt lợn rất thưa thớt. Một số tiểu thương đã phải ngưng bán thịt lợn từ hai tuần nay do thông tin dịch tả lợn châu Phi đang tiến sát TP Hồ Chí Minh.
Chị Nguyễn Thúy Linh, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), cho biết sức mua thịt lợn đang giảm 50 - 70% so với trước khi các tỉnh có công bố dịch tả lợn châu Phi. Trước đây mỗi ngày chị Linh bán ra khoảng 70 kg và chỉ bán trong vòng một buổi sáng, còn hiện nay mỗi ngày chị bán được còn 30 - 40 kg và phải bán cả ngày mới hết hàng. Giá thịt lợn tại chợ đầu mối, trước đây chị Linh lấy thịt lợn mảnh giá hơn 70.000 đồng/kg nhưng nay chỉ còn hơn 43 - 45.000 đồng/kg, dù vậy cũng có khá ít người mua.
Theo chị Linh, sở dĩ sức mua thịt lợn tại chợ truyền thống đang giảm là do sau khi các tỉnh giáp ranh TP Hồ Chí Minh công bố dịch tả lợn châu Phi nên nhiều người tiêu dùng hiểu chưa đúng về thông tin này mà chỉ cần nghe thông tin có dịch bệnh đang tiến sát TP Hồ Chí Minh là họ liền ngưng sử dụng thịt lợn. Vì vậy, mấy ngày qua sức mua thịt lợn tại các chợ đang tụt dốc thê thảm.
Tương tự, chị Lê Tường Loan, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Thủ Đức (quận Thủ Đức) cũng đã ngừng nhập thịt lợn về bán hơn một tuần nay. Chị Lê Tường Loan cho biết, tâm lý e ngại khiến sức mua thịt lợn tụt dốc dù TP Hồ Chí Minh vẫn nằm trong vùng an toàn. Theo chị Loan, hơn tuần nay không chỉ sạp thịt heo của chị Loan ngưng bán mà 3 trong số 7 sạp gần chợ này cũng đã đóng cửa vì sợ buôn bán thua lỗ.
Không chỉ sức mua thịt lợn tại chợ truyền thống đang giảm mà tại chợ đầu mối sức mua thịt lợn cũng giảm không kém. Ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Hóc Môn cho biết, hiện nay lượng thịt lợn về chợ giảm mạnh. Cách đây một tháng, mỗi ngày chợ cung ứng ra thị trường khoảng 5.200 con, nhưng từ khi có dịch tả, lượng lợn giảm liên tục mỗi ngày 100 con. Hiện, mỗi đêm hàng về chợ chỉ còn 3.800 con – mức thấp kỷ lục tính từ 10 năm trở lại đây.
Theo ông Tiển, do tâm lý lo sợ của người dân nên kéo sức mua thịt lợn liên tục xuống thấp, do đó các đầu mối nhập thịt lợn giảm lượng mua khiến thương lái cũng giảm thu gom hàng để giết mổ. Không chỉ khách hàng lẻ giảm mua mà các bếp ăn tập thể, nhà hàng cũng hạn chế nhập thịt lợn trong thời gian này.
“Để người tiêu dùng hiểu đúng về thông tin dịch tả lợn châu Phi, đơn vị cũng đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền cho người dân hiểu về dịch bệnh để giảm tâm lý lo ngại. Ngoài ra, ban quản lý chợ cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng, ngưng nhận lợn từ các tỉnh vùng dịch. Toàn bộ lợn đưa vào chợ tiêu thụ đều được đeo vòng kiểm soát nhận diện và truy xuất nguồn gốc đầy đủ”, ông Tiển cho biết thêm.
Đảm bảo nguồn lợn sạch
Để đảm bảo nguồn thịt lợn an toàn cung ứng cho thành phố, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, trước diễn biến của dịch tả lợn châu Phi đến rất gần TP Hồ Chí Minh, Sở đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất và phân phối thịt lợn và thịt gia cầm lớn của thành phố như: công ty Vissan, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, CP, Ba Huân... nhằm chuẩn bị nguồn hàng để đảm bảo bình ổn thị trường khi xảy ra dịch bệnh. Các đơn vị này cũng đảm bảo cung ứng khoảng 147 tấn thịt lợn/ngày và 400 tấn thịt gà/ngày cho thị trường TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, công ty Vissan cam kết nếu dịch bệnh xảy ra, sẽ thu mua dự trữ 3.600 tấn trong 45 ngày và nhập khẩu thịt từ các nước không có dịch. Sargifood cũng có thể cung cấp thịt lợn dưới tuổi xuất chuồng (80 - 90kg/con) và tập trung phát triển nguồn lợn giống hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn. Công ty cổ phần Ba Huân cam kết đảm bảo đủ nguồn hàng thịt gia cầm (thịt gà) thay thế thịt gia súc khi có dịch bệnh xảy ra và hoàn toàn có thể nâng sản lượng tiêu thụ lên 100 - 120 tấn/ngày. Công ty TNHH San Hà bố trí 1 kho lạnh, sức chứa 500 tấn thịt gà (dự trữ 1 tuần), chủ động thuê thêm 2 kho lạnh với sức chứa trên 1.000 tấn (dự trữ trong 12 tháng) đáp ứng sức mua của thị trường.
Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại các tỉnh giáp ranh với TP Hồ Chí Minh, vừa qua UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc họp triển khai kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với các sở ngành, thiết lập kênh thông tin đối với các tỉnh giáp ranh với thành phố để chia sẻ thông tin kịp thời chính sách và thống nhất các biện pháp ngăn ngừa, tăng cường công tác kiểm soát tại các cửa ngõ. Tất cả các tuyến đường được vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh đều được tăng cường các đoàn kiểm tra liên ngành túc trực 24/24. Ngoài ra, các quận huyện cũng tổ chức các trạm kiểm soát tạm thời để kiểm soát lượng lợn chuyển về thành phố tiêu thụ.
“Để người tiêu dùng không tẩy chay thịt lợn, các đơn vị đang tăng cường thông tin, tuyên truyền giúp người dân hiểu đúng về bệnh dịch tả lợn châu Phi (không lây sang người). Do đó, người tiêu dùng nên ủng hộ lợn sạch qua việc mua ở những nơi có nguồn gốc hợp pháp, rõ ràng. Các ngành chức năng đang kiểm soát chặt tình trạng giết mổ trái phép, quản lý tốt tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống; không để xảy tra tình trạng bên trong chợ quản lý tốt nhưng bên ngoài chợ vẫn còn các điểm bán thịt lợn trái phép...”, ông Hổ cho biết thêm.
Trước sự quyết liệt của các ngành chức năng thành phố và niềm tin vào sự lựa chọn nguồn gốc thực phẩm an toàn của mình, nhiều người tiêu dùng vẫn yên tâm dùng thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày.
Chị Nguyễn Thị Tám, ngụ quận 9 cho biết, gia đình chị thường mua thịt lợn có nguồn gốc, có đóng dấu thú y tại các cửa hàng siêu thị uy tín. Những ai ham thịt lợn giá rẻ, không rõ nguồn gốc nên mới sợ thịt lợn bệnh. Một số người không hiểu rõ nên không mua thịt lợn, làm như vậy cũng ảnh hưởng đến người chăn nuôi hiện nay", chị Tám chia sẻ.