Sức mua hàng Tết bắt đầu tăng

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, thời điểm này, các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ đã đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu mua sắm. Theo ghi nhận, tại các hệ thống siêu thị, các chợ truyền thống, sức mua đã rục rịch tăng, đặc biệt là các mặt hàng thời trang, hàng tiêu dùng, thực phẩm Tết...

Hàng Tết đầy kệ siêu thị

Thời điểm này, các hệ thống bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh đang áp dụng dày đặc các chương trình giảm giá sâu, đặc biệt là những hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết. Từ ngày 28/1 đến 7/2, tất cả 81 siêu thị Co.op Mart và Co.op Xtra trên toàn quốc sẽ đồng loạt áp dụng giảm giá các sản phẩm phục vụ Tết như giò chả, lạp xưởng, mứt Tết, dầu ăn... Tại hệ thống siêu thị Lotte Mart, các mặt hàng tiêu dùng "chủ lực" dịp Tết như xúc xích, chả lụa, lạp xưởng... giảm giá từ 15 - 30%. Hệ thống siêu thị Big C giảm giá đến 50% cho hơn 1.000 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu... 

Người tiêu dùng chọn mua hàng Tết tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op.

Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing siêu thị Saigon Co.op, cho biết: “Chương trình ‘10 ngày giảm giá hết ga’ được áp dụng cho các mặt hàng đặc trưng Tết của siêu thị nhằm giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm, an toàn và đầy đủ. So với năm trước, số lượng mặt hàng tham gia chương trình giảm giá Tết năm nay tăng hơn và mức giảm giá sâu hơn. Hiện nay, sức mua trong hệ thống đối với các hàng hóa phục vụ Tết cũng bắt đầu tăng cao”.

Là doanh nghiệp chuyên cung cấp thực phẩm tươi sống cho hệ thống siêu thị trên cả nước, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết: Năm nay, công ty đã chuẩn bị chương trình giảm giá sâu vào những ngày cận Tết (26, 28 và 29 tháng Chạp). Hiện tại, Vissan đang giảm giá từ 5 - 15% các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn như thịt đóng hộp, xúc xích, nem nướng... Sắp tới, Vissan sẽ giảm giá thịt lợn tại các hệ thống siêu thị.

Ở gian hàng bánh kẹo, rượu bia cũng xuất hiện đầy đủ các thương hiệu từ trong nước đến nước ngoài. Các sản phẩm có nhiều mức giá từ bình dân đến cao cấp để người tiêu dùng lựa chọn sử dụng hay biếu tặng.

Trong khi đó, tại thị trường lớn nhất phía Bắc, Sở Công Thương Hà Nội đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào phục vụ Tết Bính Thân, tập trung ở một số nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu như: gạo tẻ 34.500 tấn; thịt lợn 5.740 tấn; thịt gà 2.453 tấn; trứng gia cầm 38 triệu quả; thủy hải sản đông lạnh 1.020 tấn; dầu ăn 8 triệu lít; rau củ 32.800 tấn. Ngoài ra, một lượng lớn bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, sữa... cũng đã sẵn sàng để phục vụ người dân. Do đó, người dân có thể yên tâm mua sắm, không lo cháy hàng, sốt giá dịp Tết này.

Tại siêu thị Big C, ngay từ đầu tháng Chạp, hàng Tết đã dầy ắp các kệ, đặc biệt là các loại bánh kẹo, trà, nước giải khát và thực phẩm chế biến sẵn. Một khách hàng sắm Tết tại siêu thị Big C Thăng Long, chị Nguyễn Thị Trang (Hà Trì, Hà Đông) cho biết: “Hàng Tết năm nay mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng. Một số loại bánh kẹo, trà của Việt Nam đã cải tiến mạnh về mẫu mã, bao bì, thậm chí còn đặt tên Tây để cạnh tranh với hàng nhập khẩu”.

“Hàng chế biến sẵn không lo thiếu và giá không tăng so với năm ngoái. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng tươi sống như: thịt lợn, gà ta, hoa quả, rau xanh sẽ tăng 20 - 30% so với ngày thường. Các siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại chỉ đáp ứng được nhu cầu rất nhỏ về hàng tươi sống, còn phần lớn được chế biến sẵn hoặc hàng đông lạnh”. Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

Các loại hàng tiêu dùng thiết yếu như: dầu ăn, đồ gia vị, thực phẩm chế biến sẵn, nước giải khát được bày ở vị trí dễ nhìn, thuận tiện cho khách hàng lựa chọn. Tại siêu thị Intimex Bờ Hồ, không khí mua sắm ghi nhận ngày 28/1 diễn ra khá sôi động. Anh Dương Trường (sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) là một khách hàng quen thuộc của siêu thị này. Anh chia sẻ: “Siêu thị những ngày gần Tết khác hẳn so với ngày thường. Hàng hóa phong phú đủ loại và cách trang trí của siêu thị cũng bắt mắt”, anh Trường nói. Trong dịp Tết năm nay, ước tính hàng Việt tại các trung tâm thương mại, siêu thị như: Metro, BigC, Co.opmart, Fivimart, Intimex, Hapro... chiếm khoảng 75 - 80%.

Tại các chợ truyền thống, sức mua nhiều loại hàng hóa cũng bắt đầu tăng. Riêng nhóm hàng thời trang thì sức mua đã tăng mạnh. Chị Lê Thị Hoàn, tiểu thương bán quần áo trẻ em tại chợ Phước Long B (quận 9) cho biết: “Đang là thời điểm người dân đổ xô mua sắm quần áo Tết, trung bình một ngày tôi bán được khoảng 20 - 30 bộ quần áo trẻ em. Lượng hàng bán ra tăng gấp đôi so với ngày thường. Dự kiến cận Tết sức mua sẽ còn tăng nữa. So với năm ngoái, giá quần áo thời trang trẻ em hầu như không tăng, một số sản phẩm còn giảm giá 5 - 10% so với năm ngoái”. Do thời tiết rét đậm trong thời điểm cận Tết nên nhu cầu mua sắm quần áo tại thị trường Hà Nội cũng đang tăng mạnh. Các tiểu thương bán buôn đồ thời trang tại chợ Đồng Xuân cho biết, vì trời rét nên sức tiêu thụ các loại quần áo, đặc biệt là áo phao, áo len tăng mạnh hơn hẳn. Nếu từ giờ đến Tết, thời tiết vẫn duy trì mức nhiệt thấp thì sức mua hàng đông sẽ vẫn tăng mạnh.

Để hút khách, tiểu thương tại các chợ truyền thống cũng áp dụng khá nhiều chương trình giảm giá cho khách hàng. Ghi nhận tại các chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh như Thủ Đức, Thị Nghè (quận Bình Thạnh), Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5)... các mặt hàng phục vụ thị trường Tết như thực phẩm khô, tươi sống, bánh mứt kẹo cũng đã sẵn sàng, tuy nhiên sức mua vẫn ổn định, chưa có đột biến.

Vẫn lo ngại chất lượng hàng hóa

Tuy nhiên, với sức tiêu thụ ngày Tết tăng cao, nhiều mặt hàng kém chất lượng bắt đầu "tung hoành" trên thị trường khiến cho người tiêu dùng lo ngại. Qua khảo sát tại các chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như Bình Tây, An Đông, Bến Thành... lượng người mua thực phẩm chuẩn bị cho ngày Tết đã bắt đầu tấp nập. Các loại bánh mứt được bày bán tại các chợ này rất nhiều với hàng loạt màu sắc khác nhau. Đặc biệt tất cả đều đựng trong bao nilon to, nhiều sản phẩm không thấy nhãn mác, hạn sử dụng... Chủ một sạp hàng kinh doanh bánh kẹo mứt Tết tại chợ Bình Tây cho biết: “Bắt đầu từ tháng 1 sức mua đã tăng lên, hiện bán lẻ vẫn chưa nhiều, chủ yếu là mình bỏ sỉ hàng. So với mọi năm thì giá không tăng và càng ngày người dân càng chuộng các mặt hàng sản xuất trong nước nhiều hơn”.

Dù mua được sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn tỏ ra băn khoăn với chất lượng sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Thu Hương (quận Bình Thạnh) chia sẻ: Bây giờ người kinh doanh họ cũng "khôn" lắm, sản phẩm nào họ chẳng có nhãn mác đàng hoàng. Nhiều khi dù mua được sản phẩm đầy đủ nhãn mác nhưng cũng chẳng an tâm sử dụng.

Các loại thực phẩm "ba không" không chỉ được bày bán tại các chợ truyền thống mà còn được bày bán trên các trạng mạng xã hội với lời mời chào đánh vào tâm lý người tiêu dùng như: Sản phẩm do nhà tự làm không dùng các loại hóa chất, sản phẩm đảm bảo 100 không dùng hóa chất... với giá đắt hơn thị trường từ 30 - 40%. Theo các cơ quan chức năng, việc kiểm soát các loại thực phẩm bán trên các trang mạng cũng rất khó, bởi đây là những nơi cơ sở sản xuất theo thời vụ, vậy nên người tiêu dùng cũng phải hết sức thận trọng khi mua và sử dụng các loại thực phẩm trên.

Theo dự báo của cơ quan chức năng, những ngày cuối năm, mua sắm tiêu dùng những ngày cận Tết có thể tăng từ 100 - 200% so với ngày thường. Chị Nguyễn Thị V. (tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì) cho biết: Sức mua hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà sẽ tăng mạnh kể từ sau Tết ông Công, ông Táo và nhu cầu tiêu dùng sẽ nóng nhất trong những ngày 27, 28 Tết khi người dân mua thịt để gói bánh chưng.
Bài và ảnh: Hoàng Dương - Hoàng Tuyết - Đan Phương
Tháng mua sắm Tết, giá tiêu dùng chỉ tăng nhẹ
Tháng mua sắm Tết, giá tiêu dùng chỉ tăng nhẹ

Mặc dù là tháng giáp Tết, nhu cầu đi lại và mua sắm cao, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2016 chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước; còn so với tháng 12/2015, CPI gần như không tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN