Xu hướng mua sắm thương mại điện tử ngày càng tăng

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), chưa bao giờ thương mại điện tử (TMĐT) hút khách như thời gian gần đây.

Có thể thấy, tổng doanh thu từ TMĐT tại VN năm 2014 đạt 2,97 tỉ USD, chiếm 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước. Năm 2015, thị trường này đã có sự bùng nổ mạnh hơn và ước tính doanh thu sẽ tăng gấp đôi, xấp xỉ 6 tỉ USD.

Tăng trưởng nhanh


Cũng theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, nhiều trang TMĐT đạt doanh thu một cách ấn tượng cùng với sự chiếm lĩnh thị phần khá cao. Đơn cử, Lazada.vn đứng đầu về doanh thu chiếm 36,1% thị phần trong năm 2014, ở vị trí thứ 2 là Sendo.vn với doanh thu chiếm 14,4%. Các trang khác như Zalora.vn, Hotdeal.vn… cũng thu hút được lượng người mua sắm đáng kể.


Xu hướng mua sắm trên TMĐT ngày càng tăng


Ông Alexandre Dardy, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam, thừa nhận nếu như cách đây 2 năm, ngày cao điểm nhất chỉ có 500 đơn hàng thì trong tháng 11 vừa qua, ngày cao điểm công ty này đã nhận được 5.000 đơn hàng. Theo đó, trong tháng 11 này số lượng bán ra các mặt hàng đã đóng góp gần 20% cho tổng giá trị giao dịch của Lazada. “Điều này cho thấy, tiềm năng của TMĐT tại Việt Nam còn rất lớn bởi hiện tại tổng doanh thu của thị trường chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng giá trị thị trường bán lẻ Việt Nam. Dự báo năm 2020, doanh thu của TMĐT sẽ tăng lên 10%. Tất nhiên điều này đi kèm với mật độ sử dụng internet và điện thoại di động thông minh tại Việt Nam tăng lên gấp 5 lần mỗi năm”, ông Alexandre Dardy nhận định.


Nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh TMĐT cũng đồng tình, thị trường TMĐT đang phát triển rất sôi động và trong năm 2015, tốc độ tăng trưởng nhảy vọt từ 0 - 100% so với năm trước. Hiện nay thị trường này đã có quy mô gấp 10 - 15 lần so với 5 năm trước đó. Số liệu từ các công ty giao nhận lớn trong nước công bố trong 9 tháng năm 2015 cho thấy, số lượng đơn hàng của TMĐT đã tăng 4,5 - 5 lần so với cùng kỳ năm 2014.


Cạnh tranh gay gắt


Trước tiềm năng của TMĐT tại Việt Nam, trong 2 năm trở lại đây đã có nhiều “ông lớn” vào Việt Nam. Ông Alexandre Dardy cho rằng, sẽ có sự cạnh tranh gay gắt của các nhà kinh doanh TMĐT trơng thời gian tới, nhất là khi Việt Nam hội nhập TPP, AEC. Thực tế cho thấy, chỉ trong 3 tháng qua đã có nhiều trang TMĐT tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam, điển hình như trang adayroi.com của tập đoàn Vingroup. Hay website điện tử tiki.vn, deca.vn đã đầu tư thêm 20 triệu USD trong tháng vừa rồi. Vì thế, để cạnh tranh với các trang TMĐT nước ngoài, trong năm 2016 Lazada sẽ xúc tiến hợp tác với các nhãn hàng nổi tiếng hay các trang website tiêu dùng khác trên mạng xã hội, để người tiêu dùng có thể trải nghiệm mua sắm tốt nhất. Theo đó, người tiêu dùng khi lên website của các nhãn hàng nổi tiếng, các trang website tiêu dùng cũng có thể mua hàng trên Lazada. Song song đó, Lazada sẽ mở rộng mạng lưới mua hàng và giao hàng không chỉ trong nước mà còn xuyên biên giới. Người tiêu dùng có thể mua hàng từ Trung Quốc, Hồng Kông hay Nhật Bản qua trang web của Lazada.

Vượt qua 216 sàn TMĐT khác trong nước, Lazada hiện đang đứng đầu về doanh thu.


Trên thực tế, để có thể vượt qua 216 sàn TMĐT khác trong nước đứng đầu về doanh thu, Lazada vẫn phải luôn đổi mới để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Cụ thể, thường xuyên kêu gọi các quỹ đầu tư rót vốn cho công ty để tăng thêm nhiều ngành hàng mới. Chính vì vậy, nhiều trang TMĐT trong nước đều mong muốn tìm được nguồn vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư ngoại để có thể trụ vững trên thị trường bán lẻ.  Ông Nguyễn Ngọc Điệp - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật Giá, cho biết đây cũng là xu hướng mua bán, sáp nhập trong thời gian tới. Bởi ngoài tiền, nhà đầu tư ngoại còn cung cấp công nghệ quản lý, hỗ trợ tư vấn về chiến lược phát triển, hỗ trợ tư vấn những kỹ thuật mới, quản trị nội bộ... Nhiều doanh nghiệp (DN) lo ngại, nếu các trang TMĐT không kêu gọi được vốn ngoại đầu tư thì các trang TMĐT trong nước sẽ khó phát triển trong thời điểm hội nhập tới.


Chất lượng, uy tín vẫn là hàng đầu


Theo ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục TMĐT và Công nghệ thông tin, trước sự phát triển mạnh của TMĐT, Bộ Công Thương kỳ vọng kênh thương mại này dần dần sẽ bình dân hóa rộng rãi hơn để ai cũng có thể sử dụng. Tuy nhiên, để có thể giữ chân và tạo được uy tín cho khách hàng, các kênh TMĐT phải luôn nâng cao chất lượng. Bởi bất kể sự cạnh tranh trong thị trường nào, rào cản mà người tiêu dùng quan tâm đến khi mua hàng online vẫn là chất lượng, thời gian giao hàng và chính sách đổi trả khi mua hàng online.

Đểạo niềm tin cho người tiêu dùng,nâng cao chất lượng và uy tín của các trang TMĐT vẫn là quan trọng


Theo khảo sát của Cục TMĐT, nhiều người dân vẫn chưa tham gia mua sắm online do họ cho rằng khó kiểm định chất lượng hàng hóa, không tin tưởng vào người bán hàng, không có các loại thẻ thanh toán và thậm chí cách thức mua hàng online quá rắc rối... Đặc biệt vấn đề thanh toán qua mạng hiện nay đang là điểm yếu của TMĐT và hơn 80% vẫn là giao hàng nhận tiền mặt.


Đồng tình ý kiến này, ông Alexandre Dardy thừa nhận hiện Lazada bán trên 300.000 sản phẩm, với số lượng khổng lồ này thì khó có thể kiểm soát hết chất lượng từng sản phẩm, vì thế chắc chắn xảy ra tình trạng một số mặt hàng không đảm bảo chất lượng.Theo đó, trong năm 2016 Lazada sẽ thực hiện 3 trọng tâm chính là giảm thời gian giao hàng xuống dưới một ngày, bảo vệ người tiêu dùng và nâng cao chất lượng sản phẩm. “Chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm từ nhà cung cấp, xem xét kỹ lịch sử bán hàng của họ và với mỗi sản phẩm này bộ phận của Lazada đều có cách kiểm tra riêng. Trong trường hợp nhà cung cấp thường xuyên bị khách hàng than phiền về chất lượng sản phẩm, Lazada sẽ kiểm tra và vĩnh viễn không cho đơn vị đó được bán trên trang Lazada.vn. Đặc biệt, trường hợp khách hàng không hài lòng với chất lượng sản phẩm sẽ được hoàn lại 100% giá trị đơn hàng”, ông Alexandre Darly khẳng định.


Ông Trần Hải Linh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sen Đỏ (Sendo.vn) cũng cho biết: “Chúng tôi bán khoảng mấy triệu sản phẩm nên việc kiểm soát sẽ khó khăn. Công ty rất mong nhận được sự hỗ trợ kiểm soát chất lượng từ phía khách hàng để nhà phân phối và người tiêu dùng ngày càng xích lại gần nhau hơn. Trường hợp khách hàng không hài lòng có thể trả lại hàng” .


Bên cạnh kế hoạch xây dựng niền tin cho khách hàng, thương hiệu cho doanh nghiệp thông qua kênh TMĐT, ông Trần Hữu Linh cho biết sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý tốt nhất để quyền người tiêu dùng được đảm bảo và trách nhiệm của doanh nghiệp phải thể hiện rõ…


Hải Yên (Tin Tức)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN