Tháng mua sắm Tết, giá tiêu dùng chỉ tăng nhẹ

Mặc dù là tháng giáp Tết, nhu cầu đi lại và mua sắm cao, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2016 chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước; còn so với tháng 12/2015, CPI gần như không tăng.

Hưởng lợi từ giá xăng dầu giảm

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 24/1, trong 11 nhóm hàng và dịch vụ, có 9 nhóm tăng và 2 nhóm giảm. Tăng mạnh nhất là giáo dục với 0,89%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,44%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,37%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,3%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,25%... Hai nhóm giảm giá là giao thông, giảm 2,82% và dịch vụ bưu chính giảm 0,06%.

Khách chọn mua hàng Tết tại siêu thị Hapro chi nhánh Lê Đại Hành (Hà Nội). Ảnh: Quang Quyết - TTXVN


Nếu chỉ tính lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực - thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) thì chỉ số này của tháng 1/2016 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 1,72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lý do khiến CPI tăng thấp được Tổng cục Thống kê đưa ra là giá xăng dầu, giá gas giảm dẫn đến chi phí đầu vào của nhiều hàng hóa, dịch vụ giảm mạnh, đặc biệt là chi phí giao thông đi lại. Riêng trong tháng 12/2015 và tháng 1/2016 có hai đợt giảm giá xăng dầu, khiến giá xăng giảm 760 đồng/lít, dầu diezen giảm 2.120 đồng/lít. Giá gas cũng giảm 1,56% so với tháng 12/2015 do các doanh nghiệp giảm giá từ ngày 1/1/2016, giảm 31.000 đồng/bình 12 kg do giá gas thế giới giảm.

Chính vì giá xăng dầu, gas giảm khiến giá nhiên liệu giảm hơn 6,45% so với tháng 12/2015, kéo CPI giảm 0,27%. Bên cạnh đó, giá xăng dầu giảm khiến chi phí vận tải, dịch vụ công cộng giảm 0,35% do tháng 1/2016 nhiều hãng taxi, ô tô giảm giá cước.

Lo ngại sức mua thấp

Từ tháng 1, nhu mua sắm hàng hóa dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Bính Thân đã bắt đầu tăng cao nên một số mặt hàng có sức tiêu thụ lớn đã bắt đầu có sự biến động. Tuy nhiên, do chủ động chuẩn bị nguồn cung hàng hóa dồi dào nên các mặt hàng dù được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết cũng chỉ tăng giá nhẹ.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,3% và tăng ở một số mặt hàng thực phẩm tươi sống: thịt gia súc tươi sống tăng 0,58%; thịt gia cầm tươi sống tăng 0,53%; thịt chế biến tăng 0,25%; thủy sản tươi sống tăng 0,65% do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm chuẩn bị hàng Tết tăng cao.

Bên cạnh đó, do nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp tới nên giá quần áo, giầy dép tăng cao làm cho chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,37%. Ngoài ra là do thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ - CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ nên một số tỉnh đã tăng học phí các cấp làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,89%.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng có mức tăng 0,3%, chủ yếu là tăng ở các mặt hàng sau: giá nhà thuê tăng 0,72% do nhiều hợp đồng thuê nhà bắt đầu ký năm mới nên các chủ nhà tăng giá vào đầu năm; dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,61% do nhu cầu sửa chữa nhà tăng cao vào dịp cuối năm và dịch vụ nước sinh hoạt tăng 0,88% và dịch vụ điện sinh hoạt tăng 0,51%.

Bộ Công Thương dự báo, sức mua hàng hóa dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng cao khoảng 15 - 20% so với cùng kỳ Tết Ất Mùi năm 2015. Để chuẩn bị hàng Tết, ngành công thương, các địa phương và doanh nghiệp đã lên kế hoạch chuẩn bị đầy đủ, chu đáo. Tại TP Hồ Chí Minh, Sở Công Thương đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh làm việc với các Ngân hàng thương mại, tạo điều kiện cho DN chuẩn bị hàng Tết Bính Thân 2016 với tổng số vốn khoảng 45.000 tỷ đồng. Còn tại Hà Nội, đến thời điểm này, thành phố đã chuẩn bị tổng lượng hàng hóa bình ổn giá trị khoảng 15.000 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Hiện nay, các siêu thị lớn như Big C, Coop Mart, Intimex... cũng đã tăng lượng hàng hóa từ 2 - 3 lần so với ngày thường.

Tuy nhiên, theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, CPI tháng Tết không cao còn cho thấy điều đáng lo ngại là sức mua yếu do thu nhập của đa phần dân cư không cao. “Tình trạng công nhân không có lương thưởng Tết hoặc bị doanh nghiệp nợ lương có xu hướng tăng. Những người có thu nhập thấp chiếm đa số trong xã hội nước ta. Vì thế, chi tiêu trong dịp Tết của đại bộ phận dân cư sẽ không thể tăng mạnh và giá cả cũng sẽ không tăng”, ông Vũ Vinh Phú nhận định.

Ngoài ra, ông Vũ Vinh Phú rất lo ngại về tình trạng giá nhiều loại hàng hóa vẫn đang neo ở mức cao một cách vô lý do khâu phối yếu kém. “Một chục trứng gà ở Vĩnh Phúc có giá 20.000 đồng nhưng ở siêu thị là 45.000 đồng, giá cà chua ở Thái Bình là 2.000 đồng/kg nhưng trong siêu thị là 10.000 đồng/kg”. Từ những dẫn chứng này ông Phú cho rằng: “Nếu việc tổ chức phân phối hàng hóa tốt hơn thì giá các loại hàng hóa không thể cao vô lý như trên và chỉ số giá tiêu dùng còn có thể thấp hơn hiện nay”.

Về xu hướng giá thị trường những ngày giáp Tết Nguyên đán, ông Vũ Vinh Phú nhận định: Hàng công nghiệp tiêu dùng sẽ không tăng giá thêm nữa vì giá đã ở mức cao. Tuy nhiên, giá hàng thực phẩm tươi sống như gà ta, thịt bò, hải sản tươi sống và các loại rau xanh có thể sẽ tăng từ 20 - 30% trong những ngày giáp Tết. Giá cả những mặt hàng này phụ thuộc nhiều vào thị trường tự do nên rất khó bình ổn.
Thu Hường
Tháng 1/2016, chỉ số giá tiêu dùng không đổi so với tháng trước
Tháng 1/2016, chỉ số giá tiêu dùng không đổi so với tháng trước

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 24/1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2016 không đổi so với tháng trước (tháng 12/2015); tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN