Sữa nội đổi mới để chiếm thị phần

Chưa bao giờ cạnh tranh trên thị trường sữa lại khốc liệt như hiện nay. Các doanh nghiệp sữa trong nước đang không ngừng đổi mới để chiếm thế chủ động trên thị trường.

Sữa nội hút khách Việt

Tại Triển lãm quốc tế ngành sữa Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội, gian hàng của các doanh nghiệp (DN) sữa nội luôn tấp nập khách tham quan, thậm chí còn đông hơn cả các gian hàng sữa nhập khẩu. Gian hàng của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) bắt mắt nhất bởi lối trang trí thân thiện, gần gũi thiên nhiên cũng như các màn “nhạc sống” do các nghệ sĩ thể hiện.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm sữa nội.

Ông Phan Minh Tiên, Giám đốc marketing của Vinamilk cho biết: Đến với triển lãm lần này, Vinamilk muốn giới thiệu với khách hàng trang trại bò sữa organic đạt chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam, được xây dựng ở Đà Lạt. Trang trại sẽ cho ra đời những sản phẩm sữa an toàn, bổ dưỡng nhất cho khách hàng.


Trong khi đó, tại gian hàng của Công ty CP sữa Ba Vì, hàng chục khách xếp hàng chờ đợi đến lượt thử sữa tươi nguyên chất từ những chú bò nơi “núi Tản sông Đà”. Chị Thu Hằng, một người tiêu dùng ở Hà Nội chia sẻ: Mấy năm gần đây, các hãng sữa nội không ngừng thay đổi mẫu mã, cải tiến chất lượng, quảng bá thương hiệu nên ngày càng được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. “Các hãng sữa nội như Ba Vì, Mộc Châu... có nhiều dòng sữa không thua kém gì so với sữa ngoại. Do đó tôi thường xuyên mua cho con dùng”, chị Hằng cho hay.


Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, Triển lãm quốc tế về sữa và sản phẩm sữa lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã thu hút hàng trăm thương hiệu sữa quen thuộc cả trong nước và quốc tế như: Vinamilk, Mộc Châu, Ba Vì, IDP, Neslte, Tetra Pak, NutriCare... Trong đó, các thương hiệu sữa nội ngày càng khẳng định vị thế tại thị trường trong nước.


“Đây là cơ hội để các DN trong nước gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác với DN ngoại để nâng cao năng lực cạnh tranh hướng tới sự phát triển bền vững cho ngành sữa Việt Nam”, ông Trung chia sẻ.


Đổi mới để cạnh tranh

Theo ông Lê Hoàng Vinh, Giám đốc Công ty CP sữa Ba Vì, trong quá trình hội nhập, thuế nhập khẩu giảm, sữa ngoại vào Việt Nam nhiều hơn, ngành sữa trong nước cần phải chuyên nghiệp hóa, hướng đến đầu tư theo chuỗi từ khâu chăn nuôi đến người tiêu dùng: từ chất lượng con giống cho năng suất và chất lượng sữa cao đến nâng quy mô đàn để giảm chi phí nguyên liệu đầu vào...


“Cốt lõi nhất là phải đảm bảo chất lượng sữa. Muốn làm được vậy phải tập trung nâng cao công nghệ chăn nuôi và chế biến sữa”, ông Vinh cho biết. Tại Công ty sữa Ba Vì, thời gian qua đã tập trung đầu tư cho công nghệ chế biến sữa theo tiêu chuẩn châu Âu, ngoài máy móc thiết bị còn cả quy trình quản lý.

Theo ông Tạ Bảo Long, Giám đốc truyền thông Công ty Tetra Pak (chuyên cung cấp các giải pháp về công nghệ chế biến, đóng gói, bảo quản sữa...), các công ty nước ngoài có thể mạnh về vốn, công nghệ, cách quản lý... nhưng các DN trong nước cũng ngày càng học hỏi được nhiều điều từ DN ngoại và đang không ngừng chiếm được thị phần trong nước.


Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam, đến năm 2020 sản xuất 2,6 tỷ lít, mức tiêu thụ 27 lít/người/năm và đến năm 2025 sản xuất 3,4 tỷ lít, mức tiêu thụ 34 lít/người/năm. Thực tế, năm 2016, mức tiêu thụ sữa ở Việt Nam đã đạt 24 lít/người và năm 2017 dự kiến sẽ đạt 26 lít/người.

Ông Long phân tích: Nhu cầu của giới trẻ sử dụng sữa thay đổi rất nhanh nên DN phải không ngừng đổi mới để có sản phẩm tốt hơn, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, ví dụ sử dụng các công nghệ đóng gói thuận tiện cho việc di chuyển của giới trẻ, phù hợp với các hộ gia đình.


“Ngành sữa Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển, nhất là khi cha mẹ ngày càng quan tâm đến sự phát triển của con trẻ. Hiện thị trường sữa Việt Nam mới phát triển ở khu vực thành phố là chính, còn các khu vực nông thôn, miền núi thì còn nhiều khoảng trống. Việc áp dụng các công nghệ tiệt trùng sẽ giúp giảm hư hỏng, dễ vận chuyển, bảo quản sản phẩm sữa được lâu hơn để tiếp cận các khu vực này”, ông Long cho biết.


Bên cạnh đó, ông Lê Hoàng Vinh kiến nghị Nhà nước có cơ chế giúp DN tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn. Hiện các DN rất muốn mở rộng sản xuất nhưng lại chưa tiếp cận được gói vay vốn 100.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi dành cho nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, DN rất mong cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt chẽ chất lượng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y để đảm bảo chất lượng nguồn sữa.


Bài và ảnh: Hoàng Dương /Báo Tin Tức
Sữa nội sẽ cạnh tranh tốt hơn với sữa ngoại
Sữa nội sẽ cạnh tranh tốt hơn với sữa ngoại

Tính từ đầu năm đến nay, nhiều hãng sữa ngoại và sữa nội đã điều chỉnh tăng giá bán trung bình từ 5- 15%.Trong đó, điều chỉnh giá nhiều nhất là các hãng sữa ngoại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN