Sữa nội sẽ cạnh tranh tốt hơn với sữa ngoại

Tính từ đầu năm đến nay, nhiều hãng sữa ngoại và sữa nội đã điều chỉnh tăng giá bán trung bình từ 5- 15%.Trong đó, điều chỉnh giá nhiều nhất là các hãng sữa ngoại. Mặt khác, việc một số sản phẩm sữa ngoại bị nhiễm khuẩn cũng ảnh hưởng đến tâm lý chọn sữa cho con của người tiêu dùng.


Sữa ngoại tăng giá liên tục


Theo ghi nhận của phóng viên, ngay đầu năm 2013, các hãng sữa ngoại Dumex, Mead Johson đã bắt đầu tăng giá sản phẩm từ 8 - 10%. Tiếp đó, đầu tháng 3, công ty sữa Friesland Campina Việt Nam tăng giá sản phẩm trung bình 8 - 9%, Abbott cũng tăng 2 - 9%. Đầu tháng 4, Nestlé tăng giá thêm 8 - 9%. Trong tháng 7, Công ty FriselandCampina Việt Nam tăng giá sữa nước hộp lên 2 - 8% tùy loại. Đầu tháng 8, giá sữa ngoại Insulac IQ cũng được điều chỉnh tăng thêm 7%... Trong những lần điều chỉnh tăng giá bán thì mức tăng mạnh nhất thuộc về các hãng sữa ngoại. Nguyên nhân tăng giá được các nhà sản xuất sữa đưa ra là giá cả đầu vào tăng, thay đổi bao bì, bổ sung thành phần…


 

Một số người tiêu dùng hướng tới dùng sữa nội cho con sau thông tin sữa ngoại nhiễm độc.

 

Theo đại diện của Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, sở dĩ giá sữa thành phẩm liên tục tăng là do chúng ta chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước. Theo đó, nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu dùng và chủ yếu phục vụ sản xuất sữa nước. Thứ hai đa số người tiêu dùng vẫn còn tâm lý “sính ngoại”, thậm chí có người còn nghĩ “hàng càng đắt càng chất lượng” cho nên các hãng sữa ngoại vẫn có cơ hội tăng giá. Thứ ba khi khẩu vị của đứa trẻ đã quen với sữa ngoại thì các bậc phụ huynh cũng “ngại” thay đổi sữa cho con. Nắm bắt được những tâm lý trên cho nên các loại sữa ngoại rất ít khi giảm giá, mà chủ yếu là tăng giá.


Mặt khác còn do cách quản lý chồng chéo, không thống nhất của các cơ quan chức năng cũng đang khiến nhiều hãng sữa “lách luật” để tăng giá. Theo quy định của Bộ Y tế, chỉ những loại sữa 34% độ đạm trở lên mới được gọi là sữa bột và chỉ sữa bột mới phải quản lý giá. Còn lại, các loại sữa bột có độ đạm dưới 34% nằm ngoài diện phải quản lý. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, trẻ em dùng sữa có độ đạm cao sẽ khó tiêu hóa, cho nên chẳng nhà sản xuất nào sản xuất sữa cho trẻ em có độ đạm lên đến 34%, các sản phẩm sữa của họ chủ yếu chỉ từ 13-17% độ đạm. Mặt khác, theo quy định hiện hành, chỉ sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi mới phải đăng ký giá bán, nên nhiều doanh nghiệp tranh thủ chuyển tên gọi như thực phẩm dinh dưỡng để không bị kê khai giá.


Sữa nội cạnh tranh bằng giá và chất lượng


Mặc dù giá các loại sữa ngoại luôn đắt hơn giá sữa nội gấp 2-3 lần nhưng theo kết quả kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng mới công bố, sữa nội và ngoại có chất lượng ngang nhau, bởi các hãng sữa cùng nhập nguyên liệu từ các đối tác như Mỹ, Newzeland, Úc…


Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện năng lực cung cấp của các hãng sữa nội không hề nhỏ, thậm chí có công ty đã xuất khẩu sản phẩm sang các nước khác. Chỉ tính trong chương trình bình ổn, lượng sữa bột của 2 công ty sữa nội Vinamilk, Nutifood khoảng 6.000 - 6.300 tấn, chiếm từ 30 - 50% thị trường (tăng 10% so với năm ngoái). Bên cạnh đó, các đơn vị sữa nội còn cam kết giữ giá ổn định suốt năm và tham gia bình ổn mặt hàng này trên cả nước. Ngoài ra, mới đây Sở Y tế thành phố đã tiến hành kiểm tra chất lượng sữa Vinamilk so với sữa ngoại, kết quả công bố cho thấy chất lượng sữa không thua kém các loại sữa ngoại nhập, nhưng giá chỉ bằng 50% sản phẩm sữa ngoại nhập cùng loại. Những điều trên cũng đã góp phần ổn định tâm lý cho người tiêu dùng khi sử dụng sữa nội.


Hiện, năng lực sản xuất sữa của các hãng sữa nội ngày càng tăng lên nhằm góp phần ổn định thị trường và kìm chế sự tăng giá vô tội vạ của các hãng sữa ngoại.


Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk cho biết: “Sắp tới chúng tôi sẽ đưa vào hoạt động 2 siêu nhà máy sữa bột và sữa nước. Trong đó, công suất nhà máy sữa bột 54.000 tấn sữa bột/năm và nhà máy sữa nước 1,2 triệu lít sữa/ngày trong giai đoạn 1 và gấp đôi trong giai đoạn 2. Khi 2 nhà máy này được khánh thành, đặc biệt là nhà máy Dielac có thể giúp cân bằng nguồn cung sữa nội, sữa ngoại và bình ổn giá sữa bột trên thị trường. Bởi khi đó sẽ không có doanh nghiệp nào có khả năng nắm được thế khuấy động thị trường bằng cách tăng giá liên tục”...


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết - Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN