Ngày 8/2, trả lời phỏng vấn TTXVN bên lề cuộc hội thảo "Mỹ nên có cách thức tiếp cận như thế nào đối với Trung Quốc? Những kiến nghị chính sách đối với chính quyền mới", giới học giả Mỹ lạc quan đưa ra nhận định trên.
Nguyên Đại diện Thương mại Mỹ bà Charlene Barshefsky cho biết hai nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ có sự ràng buộc chặt chẽ với nhau, do đó sẽ không nước nào được lợi nếu như một trong hai bên gặp khó khăn về kinh tế. Sự phụ thuộc lẫn nhau đó không chỉ dừng lại ở lĩnh vực xuất nhập khẩu: Trung Quốc sở hữu 20% số trái phiếu hải ngoại do Bộ Tài chính Mỹ phát hành, và là một trong những chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ.
Những biến động tại thị trường chứng khoán và tỷ giá ngoại hối của Trung Quốc có thể làm rung chuyển các thị trường vốn tại Phố Wall và cả thế giới. Căn cứ vào sự phụ thuộc qua lại lẫn nhau này, thách thức lớn đối với chính quyền mới của Mỹ sẽ là tìm được công cụ chính sách thích hợp để duy trì mối quan hệ Mỹ-Trung ổn định vì lợi ích của chính nước Mỹ.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc thế kỷ 21, bà Susan L.Shirk nhấn mạnh rằng lý do khiến bà tin rằng chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung sẽ không xảy ra là vì người tiêu dùng Mỹ, nền kinh tế Mỹ sẽ là bên bị hại nhiều nhất và thậm chí cả nền kinh tế thế giới sẽ bị đẩy vào tình thế nguy hiểm.
Bà Shirk dự đoán và bày tỏ hy vọng tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không làm leo thang căng thẳng trong quan hệ thương mại với Trung Quốc như những tuyên bố bề ngoài của ông. Bà cũng nói thêm rằng tất cả các quốc gia châu Á đều được lợi từ một mối quan hệ mậu dịch Mỹ-Trung ổn định.
Tại cuộc hội thảo trên, các diễn giả, tuy hạ thấp nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, song đều nhấn mạnh đến sự cấp thiết phải cải thiện tính chất "có đi có lại" trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo bà Barshefsky, để làm được điều này, các diễn giả kiến nghị chính quyền của tân Tổng thống Trump cần nỗ lực trên hai phương diện như sau: Trước hết, chính quyền mới cần hối thúc Trung Quốc thực thi nhiều hơn nữa các cam kết quốc tế đồng thời củng cố các luật của Mỹ để đối phó với những thông lệ đầu tư và mua bán không công bằng; Thứ hai, chính quyền Trump cần hối thúc Trung Quốc tham gia những thỏa thuận đầu tư và thương mại mới, thông qua đó thúc đẩy Bắc Kinh phải tiến hành những cải cách thị trường cần thiết.
Các diễn giả cho rằng lộ trình tích cực toàn diện nhất cho cuộc cải cách kinh tế và mở cửa một cách đồng bộ tại Trung Quốc nên được dựa trên một Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được sửa đổi để giành được sự ủng hộ của cả hai đảng tại Quốc hội. Một hiệp định dạng TPP và những tiêu chuẩn mà hiệp định này ấn định cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ đóng vai trò là chất xúc tác cho cải cách tại Trung Quốc.
Liên quan đến tác động của việc Mỹ rút khỏi TPP đối với những nền kinh tế như Việt Nam, bà Barshefsky, trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN, cho biết bà tin rằng dù có hay không có TPP, quan hệ thương mại Mỹ Việt vẫn tiếp tục đà phát triển tốt đẹp. Và điều cần thiết với Việt Nam lúc này là nên tiếp tục những cuộc cải cách nền kinh tế theo như tinh thần của TPP cho dù hiệp định này tạm thời đã bị đóng băng.
Các diễn giả khác của cuộc hội thảo do viện nghiên cứu Asia Soecity tổ chức cũng đều là những cựu quan chức cấp cao của Nhà Trắng đảm trách khu vực châu Á và các nhà kinh tế kỳ cựu gồm: nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông James B. Steinberg; nguyên Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông Winston Lord; Giám đốc bộ phận nghiên cứu châu Á của Hội đồng Quan hệ đối ngoại, bà Elizabeth C. Economy; Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung của Viện Asia Soecity, ông Orville Schell.