Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoài Thanh
|
Đó là thông điệp nổi bật được đưa ra tại cuộc hội thảo "Mỹ nên có cách thức tiếp cận như thế nào đối với Trung Quốc? Những kiến nghị chính sách đối với chính quyền mới" diễn ra ngày 8/2 tại New York, Mỹ.
Tại cuộc hội thảo, các diễn giả đã lần lượt trình bày những thách thức đang đe dọa gây phương hại tới quan hệ Mỹ - Trung nói chung, bao gồm những tranh chấp hàng hải trong khu vực, các tập quán mậu dịch và đầu tư, vấn đề nhân quyền, và gián điệp mạng.
Hệ quả là chính quyền mới của Mỹ giờ đây đang phải đối diện với nhiệm vụ không hề nhỏ, đó là điều chỉnh chiến lược để giải tỏa những quan ngại ngày càng tăng trước những hành động của Trung Quốc song không làm tổn hại quá nhiều những lợi ích mà Mỹ thu được từ sự hợp tác với Trung Quốc trong những vấn đề mà hai bên có những điểm tương đồng.
Ông Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung của Viện Asia Soceity, nhấn mạnh đây là thời khắc hết sức quan trọng đối với hai nước không chỉ vì Trung Quốc đang có những dấu hiệu bất ổn bắt nguồn từ cách tiếp cận cứng rắn của Bắc Kinh cả ở trong nước lẫn nước ngoài, mà còn cả vì nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, cũng đang có dấu hiệu cho thấy sẽ viết lại bộ quy tắc định hướng mối quan hệ song phương giữa hai nước trong suốt nhiều thập niên qua.
Theo các diễn giả, trong năm đầu tiên, chính quyền Mỹ cần đặt ưu tiên cao cho 6 vấn đề trong chính sách Mỹ-Trung. Nếu không quan tâm thỏa đáng hoặc có những bước đi sai lầm trong việc xử lý những vấn đề này, hậu quả sẽ là khôn lường đối với nền tảng của mối quan hệ hai nước cũng như vị thế của Mỹ tại châu Á và thậm chí cả trật tự thế giới.
Sáu ưu tiên khẩn cấp đó bao gồm: Hợp tác với Trung Quốc để chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên; Tái khẳng định các cam kết của Mỹ đối với châu Á; Triển khai những công cụ hiệu quả để xử lý tình trạng thiếu tính tương hỗ trong quan hệ đầu tư và mậu dịch Mỹ- Trung;
Tăng cường các nỗ lực để khuyến khích cách tiếp cận dựa trên các nguyên tắc, luật lệ đối với việc kiểm soát và xử lý các tranh chấp hàng hải tại châu Á-Thái Bình Dương; Thuyết phục Bắc Kinh nới lỏng những chính sách đối với các lĩnh vực nhân quyền và xã hội dân sự bởi đây là những rào cản cho việc cải thiện quan hệ Mỹ-Trung; Duy trì và mở rộng hợp tác Mỹ-Trung trong lĩnh vực biến đổi khí hậu toàn cầu.
Các diễn giả cũng đưa ra những phân tích và kiến nghị cho 10 vấn đề mang tính dài hạn trong quan hệ Mỹ-Trung, gồm các vấn đề an ninh mạng, năng lượng và biến đổi khí hậu, quản trị toàn cầu, an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Triều Tiên, các tranh chấp hàng hải, Đài Loan và Hong Kong, nhân quyền, quan hệ quốc phòng và quân sự, quan hệ đầu tư và mậu dịch. Theo các diễn giả, để xử lý những thách thức này, chính quyền Mỹ cần ghi nhớ những bài học trong quá khứ.
Trong vấn đề Đài Loan hết sức nhạy cảm, các diễn giả cảnh báo rằng việc đơn phương từ bỏ chính sách Một Trung Quốc có thể gây phương hại tới chính Đài Loan, gây bất ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đe dọa tới những lợi ích của Mỹ.
Cũng tại cuộc hội thảo nêu trên, các diễn giả hạ thấp nguy cơ xảy ra chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung, song nhấn mạnh đến sự cấp thiết phải cải thiện tính chất "có đi có lại" trong quan hệ mậu dịch và đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc. Bà Barshefsky cho biết hai nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ có sự ràng buộc chặt chẽ với nhau, do đó sẽ không nước nào được lợi nếu như một trong hai bên gặp khó khăn về kinh tế.
Sự phụ thuộc lẫn nhau đó không chỉ dừng lại ở lĩnh vực xuất nhập khẩu: Trung Qốc nắm giữ 1/5 số trái phiếu hải ngoại do Bộ Tài chính Mỹ phát hành, và là một trong những chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Những biến động tại thị trường chứng khoán và tỷ giá ngoại hối của Trung Quốc có thể làm rung chuyển các thị trường vốn tại Phố Wall và cả khắp thế giới. Căn cứ vào sự phụ thuộc qua lại lẫn nhau này, thách thức lớn đối với chính quyền mới của Mỹ sẽ là tìm được công cụ chính sách thích hợp để duy trì mối quan hệ Mỹ-Trung ổn định vì lợi ích của chính nước Mỹ.
Để làm được điều này, các diễn giả kiến nghị chính quyền của tân Tổng thống Donald Trump cần nỗ lực trên hai mặt trận như sau: Trước hết, chính quyền mới cần hối thúc Trung Quốc thực thi nhiều hơn nữa các cam kết quốc tế đồng thời củng cố các luật của Mỹ để đối phó với những tập quán đầu tư và mậu dịch khôg công bằng; Thứ hai, chính quyền Trump cần hối thúc Trung Quốc tham gia những thỏa thuận đầu tư và mậu dịch mới, thông qua đó buộc Bắc Kinh phải tiến hành những cải cách thị trường cần thiết.
Các diễn giả cho rằng lộ trình tích cực toàn diện nhất cho cuộc cải cách kinh tế và mở cửa một cách đồng bộ tại Trung Quốc nên được dựa trên một Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP được sửa đổi để giành được sự ủng hộ của cả hai đảng tại Quốc hội. Một TPP kiểu mới và những tiêu chuẩn mà hiệp định này ấn định cho khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ đóng vai trò là chất xúc tác cho cải cách tại Trung Quốc.
Các diễn giả tham gia cuộc hội thảo nêu trên do viện nghiên cứu Asia Soecity tổ chức đều là những cựu quan chức cấp cao của Nhà Trắng đảm trách khu vực châu Á và các nhà kinh tế kỳ cựu gồm: nguyên Đại diện thương mại Mỹ, bà Charlene Barshefsky; nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông James B. Steinberg; nguyên Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông Winston Lord; Giám đốc bộ phận nghiên cứu châu Á của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, bà Elizabeth C. Economy; Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung của Viện Asia Soceity, ông Orville Schell và Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc Thế kỷ 21, bà Susan L. Shirk.