Sản xuất công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh - Bài 1: Công nghiệp khởi sắc

Theo báo cáo của UBND Tp. Hồ Chí Minh, tình hình sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Để tiếp tục lấy lại đà phục hồi sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi Nhà nước cần tiếp tục tăng cường những giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này nhằm ổn định việc làm, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu trong những tháng tiếp theo.

Bài 1: Công nghiệp khởi sắc 

Chú thích ảnh
Sản xuất bóng đèn led theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản tại Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Ghi nhận tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh trong tháng 6 vừa qua, các sở, ngành đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Cụ thể, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai giải pháp liên kết hiệp hội ngành nghề, khơi thông dòng vốn ưu đãi, kết nối giao thương, kích cầu tiêu dùng nội địa... nên đã thúc đẩy sản xuất công nghiệp tăng trưởng đáng khích lệ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của thành phố.

Sản xuất tăng trở lại

Thống kê cho thấy, tại Tp. Hồ Chí Minh có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6/2020 tăng 13,74% so với tháng trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,4% so với tháng trước; sản xuất và phân phối điện (0,6%); cung cấp nước và xử lý rác thải (2,2%)... Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố bằng 96,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Tp. Hồ Chí Minh có các ngành công nghiệp chủ yếu đạt chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 tăng cao hơn chỉ số chung của toàn ngành công nghiệp như sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất chế biến thực phẩm...

Còn 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn 4 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất chung của toàn ngành công nghiệp. Trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước; ngành hóa dược (9%)...

Đối với ngành công nghiệp cấp II, 6 tháng đầu năm 2020, Tp. Hồ Chí Minh có 12/30 ngành đạt chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có mức tăng cao trên 10% như sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 11,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (21,7%); sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu (20,7%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (17,7%)...

Tuy nhiên, cũng có một số ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ, gồm: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất kim loại; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác... Cùng với đó, các ngành công nghiệp truyền thống cũng có chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của thành phố trong tháng 6 đầu năm 2020 tăng 13,7% so cùng thời điểm năm trước. Đặc biệt, có một số ngành có chỉ số tồn kho cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp như công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 193,9%; sản xuất thiết bị điện (/81,2%); sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (76,4%); sản xuất chế biến thực phẩm (51,4%).

Ông Nguyễn Phương Đông cho biết, từ tháng 3/2020, Tp. Hồ Chí Minh đã khẩn trương thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trong tình hình mới với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đồng thời triển khai mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội... Trong đó, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã không ngừng đa dạng hoạt động kích cầu tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn bằng những chương trình hành động cụ thể, gồm: kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, tổ chức chương trình kích cầu tiêu dùng năm 2020 với lần đầu tiên giá trị khuyến mãi vượt mức 50%...

Tín hiệu thị trường khởi sắc

Chú thích ảnh
Sản xuất linh kiện điện tử kỹ thuật cao tại Cty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam (Nhật Bản) trong Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Theo Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 614.591 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, những ngành chịu tổn thất nặng nề từ dịch bệnh là ngành lưu trú, ăn uống với mức giảm đến 47,3%; ngành du lịch lữ hành giảm đến 71,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, tín hiệu đáng khích lệ là ghi nhận tình hình thương mại dịch vụ trong tháng 6/2020 tại Tp. Hồ Chí Minh cũng có nhiều khởi sắc so với tháng trước. Đặc biệt, khi tình hình dịch COVID-19 tại thành phố và cả nước nói chung đã được khống chế, nhiều hoạt động kinh tế trên địa bàn trở lại hoạt động và đang dần khôi phục.

Điển hình, trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2020 đạt 102.505 tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 6/2020 đạt 67.851 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước; còn doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú trong tháng này đã có nhiều cải thiện, đạt 4.867 tỷ đồng, tăng 42,3% so với tháng trước.

Một số doanh nghiệp nhận định, mức thương mại dịch vụ có mức tăng khá cao so với tháng trước là do tình hình kiểm soát dịch bệnh thành công tại Tp. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, người dân đã trở lại các hoạt động bình thường như trước, nhu cầu ăn uống, mua sắm tăng cao.

Ngoài ra, Tp. Hồ Chí Minh đã thực hiện đa dạng chính sách kích cầu du lịch nội địa có tác động tích cực đến nhóm lưu trú, ăn uống... Trong tháng 6/2020, học sinh, sinh viên cũng quay trở lại học tập ổn định và điều này làm doanh thu ngành dịch vụ ăn uống tăng trở lại sau thời gian ảm đạm.

Ở lĩnh vực xuất khẩu, báo cáo của Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước ước đạt 20.703,3 triệu USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu không tính dầu thô đạt 19.869,7 triệu USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với doanh nghiệp thành phố với kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2020. Tiếp theo, có thể kể đến những thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản...

Đối với thị trường mà Việt Nam đã tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) thì giá trị xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2020 nhìn chung có xu hướng giảm. Đơn cử, xuất khẩu sang thị trường châu Âu có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhưng chỉ đạt 2.290,4 triệu USD, giảm 8,9% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn Tp. Hồ Chí Minh.

Trước bối cảnh này, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, thành phố sẽ tăng cường cập nhật thông tin về thị trường, ngành hàng xuất khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2020. Mặt khác, ITPC sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan chọn lọc sản phẩm, ngành hàng, nhất là nhóm sản phẩm chủ lực của thành phố trong hoạt động xúc tiến thương mại dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu đến những thị trường tiềm năng, cũng như Việt Nam có lợi thế cạnh tranh từ Hiệp định thương mại tự do.

Về phía doanh nghiệp, đại diện ITPC cho rằng, đơn vị sản xuất kinh doanh cần chủ động hơn trong việc tham gia chương trình công bố thông tin, tập huấn đào tạo nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, thiết kế bao bì... đảm bảo sản phẩm phù hợp với văn hóa và tập quán tiêu dùng của đa dạng thị trường xuất khẩu.


Mặt khác, mô hình kinh doanh thương mại điện tử ngày càng phát triển và vượt ra khởi biên giới về mặt địa lý, đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động xây dựng thương hiệu công ty và sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa, cũng như đạt hiệu quả cao khi tham gia các hoạt động xúc tiến xuất khẩu.

Bài 2: Tăng cạnh tranh cho công nghiệp hỗ trợ

Mỹ Phương (TTXVN)
Sản xuất công nghiệp quý II/2020 chỉ đạt 0,74% so với cùng kỳ
Sản xuất công nghiệp quý II/2020 chỉ đạt 0,74% so với cùng kỳ

Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp trong quý II/2020 chỉ đạt 0,74% so với cùng kỳ năm trước do chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 nên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN