Sau sáu phiên sụt giảm liên tiếp vào tuần trước, Phố Wall phục hồi trong hai phiên giao dịch liên tiếp đầu tuần này (ngày 22-23/4), do nhà đầu tư đánh giá lại kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất và căng thẳng giữa Iran và Israel dịu bớt. Dữ liệu kinh tế mạnh mẽ, căng thẳng địa chính trị, lạm phát dai dẳng và những bình luận “diều hâu” từ các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã làm giảm hy vọng về việc Fed giảm lãi suất trong năm nay.
Ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ biến động ngược chiều trong phiên giao dịch liền sau đó, khi chuyên gia Fawad Razaqzada của chuyên trang thông tin tài chính FOREX.com cảnh báo về mối lo ngại lớn đối với nhà đầu tư là mức thanh toán lãi vay nợ ngày càng tăng của Chính phủ Mỹ. Theo ông Razaqzada, điều này sẽ không được giải quyết sớm khi Washington đang chuẩn bị đấu giá lượng trái phiếu trị giá 70 tỷ USD. Ông sẽ không loại trừ khả năng xảy ra đợt bán tháo cổ phiếu mới, vì phần lớn những lo lắng về tình hình kinh tế vĩ mô vẫn còn đó.
Phố Wall giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 25/4, trước khi quay đầu phục hồi vào phiên cuối tuần, do số liệu cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm hơn dự đoán và lạm phát kéo dài, cùng với một đợt bán tháo cổ phiếu vốn hóa lớn do kết quả đáng thất vọng của công ty công nghệ Meta Platforms.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý I tích cực từ Google và Microsoft đã tạo động lực cho đà phục hồi của thị trường chứng khoán trong phiên 26/4. Cả hai “gã khổng lồ” công nghệ này đều đang đầu tư đáng kể vào trí tuệ nhân tạo, dẫn dắt đà tăng của thị trường và giúp bù đắp một chỉ báo lạm phát đáng thất vọng của Mỹ.
Kết thúc phiên cuối tuần này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4% lên 38.239,66 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1% lên 5.099,96 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 2% lên 15.927,90 điểm.
Đà tăng này đã giúp cả ba chỉ số chính của Phố Wall nằm trong vùng tích cực khi tính chung cả tuần qua. S&P 500 và Nasdaq Composite đều có tuần tăng tốt nhất kể từ tháng 11/2023. S&P 500 tiến 2,7% để chấm dứt chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp, còn Nasdaq Composite tăng 4,2%, ghi nhận tuần tăng đầu tiên trong 5 tuần qua. Trong khi chỉ số Dow Jones tăng 0,7% trong tuần này.
Cổ phiếu Alphabet tăng hơn 10% phiên 26/4, nhờ kết quả lợi nhuận quý I tốt hơn dự báo và ghi nhận phiên tốt nhất kể từ tháng 7/2015. Công ty này cũng đã thông qua đợt chia cổ tức đầu tiên và khoản mua lại trị giá 70 tỷ USD. Cổ phiếu Microsoft tăng gần 2% khi nhà sản xuất phần mềm công bố kết quả kinh doanh tích cực trong quý III năm tài chính hiện tại (từ tháng 1-3/2024) và cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực đám mây.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi của Mỹ - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - tăng 2,7% trong tháng 3/2024, tăng 0,2 điểm phần trăm so với một tháng trước đó. Chi tiêu cá nhân tăng 0,8%, cũng cao hơn so với dự báo là 0,7%. Chỉ số này được Fed giám sát chặt chẽ, cho thấy ngân hàng này có thể giữ lãi suất cao lâu hơn nếu lạm phát vẫn ở mức cao dai dẳng.
Giám đốc điều hành ngân hàng JPMorgan Chase lớn nhất nước Mỹ, Jamie Dimon, trước đó đã tỏ ý tin tưởng vào một nền kinh tế Mỹ vững mạnh nhờ thị trường việc làm ổn định và tiềm lực tài chính của người tiêu dùng đảm bảo. Theo ông, cho rằng sự bùng nổ của kinh tế Mỹ là điều có thể gây bất ngờ. Ngay cả nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái, chi tiêu tiêu dùng vẫn khả quan.
Tuy nhiên, ông Dimon cảnh báo về tác động đến nền kinh tế do thâm hụt ngân sách, lạm phát và xung đột địa chính trị. Ông cho rằng tình trạng lạm phát cao có thể kéo dài hơn dự kiến, khiến lãi suất sẽ được duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Trước đó, kết quả thăm dò quý mới nhất do tờ Wall Street Journal thực hiện cho thấy giới lãnh đạo doanh nghiệp và học giả kinh tế đã giảm khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm tới từ mức 39% hồi tháng Một xuống còn 29%, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022. Giới chuyên gia được khảo sát thậm chí còn khẳng định nền kinh tế lớn nhất thế giới không tiến sát đến ngưỡng suy thoái.
Theo cuộc thăm dò được tiến hành trong các ngày 5-9/4, trong tổng số 69 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát, chỉ có 10% cho rằng kinh tế Mỹ sẽ có ít nhất một quý tăng trưởng âm trong 13 tháng tới, giảm mạnh so với tỷ lệ 33% hồi tháng Một.
Mùa báo cáo lợi nhuận bận rộn sẽ tiếp tục vào tuần tới, với tiêu điểm là báo cáo từ những "gã khổng lồ" công nghệ Apple và Amazon. Quyết sách lãi suất tiếp theo của Fed dự kiến công bố vào ngày 1/5.