Khép lại phiên này, chỉ số S&P 500 tăng 37,85 điểm, hay 0,73%, lên 5.198,33 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 271,84 điểm, hay 1,68%, lên 16.442,20 điểm, còn chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ 7,54 điểm, hay 0,02%, xuống 38.458,29 điểm.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ thấp hơn dự đoán trong tháng Ba, từ đó củng cố quan điểm cho rằng đà tăng giá vẫn đang giảm tốc.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 10/4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cao hơn dự đoán đã khiến chứng khoán giảm điểm mạnh và đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lên mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Số liệu này đã đẩy lùi những kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất ba lần trong năm nay.
Nhưng dù chỉ số PPI đã mang tính khích lệ hơn, nhưng số liệu này vẫn cho thấy con đường đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% có thể còn rất chông gai. Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams cho rằng không quá cần thiết phải sớm điều chỉnh chính sách tiền tệ, trong khi Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond Thomas Barkin cho biết Fed vẫn chưa tự tin rằng áp lực giá cả sẽ tiếp tục dịu xuống.
Tuy nhiên, ông Joseph Sroka, Giám đốc đầu tư của công ty NovaPoint ở Atlanta, nhận định giới đầu tư đang bắt đầu chấp nhận khả năng lạm phát có thể kéo dài hơn và Fed sẽ tiếp tục giữ lập trường thận trọng.
Thị trường hiện đang chuyển hướng chú ý sang mùa báo cáo lợi nhuận quý I, trong đó tuần này sẽ đón nhận báo cáo từ ba ngân hàng lớn của Mỹ là JPMorgan Chase & Co, Citigroup Inc, và Wells Fargo & Co vào ngày 12/4.
Còn tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch 11/4, VN-Index giảm 0,36 điểm xuống 1.258,2 điểm, trong khi HNX-Index tăng nhẹ 0,28 điểm lên 528,98 điểm.