Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Trồng trọt rà soát lại tình hình sản xuất, sản lượng các loại mặt hàng rau củ quả, thường xuyên cập nhật, báo cáo bộ.
Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật chủ động theo dõi, bám sát tình hình thực tế và kịp thời thông báo những thay đổi trong quy trình chống dịch của Trung Quốc ảnh hưởng đến thời gian thông quan để kịp thời xử lý. Cục bố trí lực lượng kiểm dịch thực vật để hỗ trợ kiểm tra đối với xuất khẩu nông sản tránh ùn tắc tại cửa khẩu; tập trung cho việc chuẩn bị và hỗ trợ các địa phương để xuất khẩu vải sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ…
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị báo cáo Bộ trưởng về cuộc họp trực tuyến với một số địa phương trọng điểm, các doanh nghiệp lớn nhằm bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ quả vải, nhãn và một số rau củ quả khác tại thị trường trong nước trước tác động của dịch COVID-19.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan của các tỉnh có sản lượng quả vải lớn của khu vực phía Bắc như: Bắc Giang, Hải Dương về tổ chức, kiểm soát các hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ quả vải của địa phương.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ chủ trì, tổ chức hội nghị trực tuyến với các Tham tán, Trưởng đại diện thương mại Việt Nam tại Trung Quốc bàn kế hoạch kết nối xuất khẩu rau củ quả sang thị trường này; thị sát tại các tỉnh biên giới trọng điểm về tình hình tiêu thụ, xuất khẩu rau quả để nắm bắt tình hình, kịp thời có giải pháp trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ, có các giải pháp khả thi, kịp thời để tạo thuận lợi cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là đối với nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và kinh doanh nông sản tại các địa phương có dịch COVID-19.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, về , hiện hai bênkiểm dịch thực vật để xuất khẩu sang Trung Quốc thường xuyên trao đổi nên việc thông quan hàng hóa đang khá nhanh. Với vải, các địa phương rất chủ động liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật để hoàn thiện các khâu chuẩn bị xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… và đến nay đã tương đối đầy đủ.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, năm nay, Nhật Bản ủy quyền giám sát cho cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam. Do đó, khi nào có hàng hóa xuất khẩu đi Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật sẽ cử lực lượng kiểm dịch về địa phương để hỗ trợ, phối hợp.
Tại Hải Dương, Cục Bảo vệ thực vật vừa qua đã đi kiểm tra và đánh giá 2 cơ sở xử lý vải để xuất khẩu sang Nhật Bản. Do vậy, ngoài các cơ sở đã được công nhận ở Bắc Giang thì vụ vải năm nay sẽ có thêm 2 cơ sở tại Hải Dương.
Đến nay, các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… ở các địa phương đều đã hoàn thiện để chuẩn bị cho việc xuất khẩu vải sang các thị trường.
Đối với các doanh nghiệp, ngoài các doanh nghiệp đã từng hợp tác xuất khẩu vải trong những năm trước, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục liên hệ với các doanh nghiệp để phối hợp với các địa phương trong việc đăng ký các mã số vùng thu mua phục vụ cho xuất khẩu.
Ông Hoàng Trung cho biết, Cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị, làm nhanh nhất có thể và thường xuyên phối hợp với cơ quan kiểm dịch Trung Quốc để hàng hóa lên cửa khẩu có thể thông quan một cách nhanh nhất. Đối với hàng xuất khẩu bằng đường hàng không, Cục Bảo vệ thực vật cử cán bộ đến tận nơi làm kiểm dịch tại chỗ.