Xin ông cho biết, Cục Bảo vệ thực vật sẽ làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều trong thời gian tới?
Tới nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 29 mã số cho quả vải với diện tích hơn 300.000 ha. Vừa qua, Cục cũng đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ đạo Trung tâm chiếu xạ Hà Nội hướng dẫn hoàn thiện về trang thiết bị, dây chuyền để vận hành chiếu xạ cho các lô hàng doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện nay, các trang thiết bị cần thiết như: nhà xưởng, kho lạnh, nhà đóng gói... phục vụ cho xuất khẩu quả vải tại phía Bắc để chiếu xạ đã được hoàn thành. Mong rằng, với việc chuẩn bị kỹ này, trái vải tại phía Bắc được chiếu xạ tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội sẽ tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu vải sang thị trường Australia, giảm chi phí cho các doanh nghiệp.
Việc chiếu xạ tại phía Bắc sẽ giảm chi phí như thế nào so với việc các doanh nghiệp phải đem vải vào miền Nam chiếu xạ như các năm trước?
Theo tính toán sơ bộ, nếu chiếu xạ tại phía Bắc và căn cứ vào giá thành Trung tâm chiếu xạ Hà Nội đưa ra sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí từ 15 đến 16 triệu đồng/tấn. Việc giảm chi phí này sẽ giúp quả vải nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời cũng là động lực thu hút các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn trong xuất khẩu quả vải sang các thị trường mới và các thị trường khó tính, tiềm năng.
Quả vải chín sớm tại Hải Dương.Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN |
Bên cạnh đó, đối với thị trường truyền thống như Trung Quốc, chúng tôi đã làm việc với cơ quan kiểm dịch thực vật phía Trung Quốc, tạo điều kiện tốt nhất và nhanh nhất. Cục đã có văn bản yêu cầu các cơ quan kiểm dịch thực vật tại các tỉnh như: Lạng Sơn, Lào Cai phối hợp chặt chẽ với nước bạn, cửa khẩu và cơ quan kiểm dịch Trung Quốc để kiểm dịch và giải phóng hàng nhanh phục vụ xuất khẩu. Nếu cần thiết, Cục sẽ cử các cán bộ để bổ sung cho các cửa khẩu, không để các lô vải bị ách tắc do kiểm dịch, các khâu chuyên môn và kỹ thuật. Đặc biệt, ở ngay tại các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên... sẽ cử cán bộ kiểm dịch xuống kiểm tra, kiểm dịch tại khu vực mà doanh nghiệp yêu cầu. Ví dụ như kiểm tra tại nơi thu mua đóng gói để xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc các nước khác. Khu vực chiếu xạ Hà Nội cũng có một phòng kiểm dịch tại chỗ.
Trong những năm trước, có những lô vải không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu bị trả về. Năm nay, Cục có khuyến cáo gì để doanh nghiệp không lặp lại các lỗi kỹ thuật này?
Đầu tiên, chúng ta đã hoàn thiện cơ sở chiếu xạ phía Bắc là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vải. Tuy nhiên, các cơ quan chuyên ngành tại các địa phương có các mã số vùng trồng đã được cấp và cấp mới phải hướng dẫn người dân và kiểm tra đầy đủ các yêu cầu về mặt kỹ thuật mà Cục đã hướng dẫn để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Muốn xuất khẩu vải bền vững thì phải kiểm soát, duy trì tốt các vùng trồng này theo đúng các yêu cầu về mặt kỹ thuật. Về mặt thị trường, ngoài các thị trường Hoa Kỳ, Australia, sắp tới Cục sẽ tiếp tục mở rộng thêm thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước này rất ưa chuộng trái vải. Cục đã nộp hồ sơ và đang tiếp tục đàm phán với các cơ quan kiểm dịch của các nước này để sớm mở cửa thị trường cho vải và một số loại trái cây có tiềm năng khác.
Xin cảm ơn ông!Theo ước tính của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, tổng sản lượng vải thiều niên vụ 2016 khoảng hơn 180.000 tấn, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc (chiếm 60%) còn lại tiêu thụ trong nước và xuất đi các nước khác.
|