Giúp Hải Dương xuất khẩu vải thiều

Thời gian tới, Hải Dương sẽ tiếp tục phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để gia tăng giá trị nông sản, mở rộng thị trường, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân.

Bước tiến trong tiêu thụ quả vải

Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, mùa vải năm 2015 được đánh giá là một mùa thắng lợi. Thị trường trong nước được chú trọng hơn. Lần đầu tiên quả vải Hải Dương xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Pháp, Anh, Singapore, Hà Lan và được đánh giá cao về chất lượng. Việc quảng bá và mở ra các thị trường mới đã tạo thế cạnh tranh trên thị trường nên tiêu thụ vải thuận lợi hơn, giá bán cao hơn 20% so với năm 2014. Đặc biệt, không còn hiện tượng ép giá, lệ thuộc vào thương nhân Trung Quốc như những vụ trước. 

Có được kết quả trên là nhờ chính quyền địa phương, các ngành đã vào cuộc tích cực từ chỉ đạo sản xuất đến tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. 

Thu mua vải thiều tại cơ sở Nguyễn Thị Hường, xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà (Hải Dương). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN


Nhiều hội nghị xúc tiến, kết nối giao thương tiêu thụ nông sản được tổ chức liên tiếp trong tháng 5 và tháng 6/2015 tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và ở Hải Dương. Thông qua các hội nghị, nhiều doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ trong và ngoài tỉnh đã về làm việc với địa phương, bàn biện pháp hợp tác, kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản. Thành phố Hà Nội đã bố trí hàng trăm điểm bán vải thiều. Các doanh nghiệp ở Hà Nội như hệ thống siêu thị Hapro, Co.opmart, Fivimart, Big C... cam kết đẩy mạnh tiêu thụ vải. TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các chợ đầu mối, các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải trên địa bàn. Tỉnh Lạng Sơn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ vải thiều và các mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu để sang Trung Quốc. Nhờ vậy, năm 2015, có 12.000 tấn vải được tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam, 20.000 tấn được xuất sang Trung Quốc.

Gỡ nhiều “nút thắt”

Tuy nhiên, để sản xuất nông nghiệp Hải Dương phát triển mạnh theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, theo đại diện các bộ, ngành trung ương và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản, Hải Dương cần tháo gỡ nhiều “nút thắt” trong sản xuất và trong xây dựng thương hiệu đối với nông sản.

Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng: “Cần làm tốt hơn công tác xây dựng thương hiệu nông sản. Mở rộng thị trường là khó nhưng giữ được thị trường lại càng khó hơn. Bởi tiêu chí của các thị trường nước ngoài rất nghiêm ngặt. Do đó, nông dân muốn hội nhập thì phải tổ chức sản xuất theo chuỗi, tuân thủ kỹ thuật bài bản, kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất và bảo đảm truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm”.

“Hải Dương đang hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung và đây tiếp tục là hướng phát triển của nông nghiệp tỉnh trong thời gian tới”.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển

Chú trọng sản xuất sạch cũng là đề nghị từ phía các doanh nghiệp đối với người sản xuất. Ông Mai Xuân Thìn, Công ty TNHH Rồng Đỏ (TP Hồ Chí Minh), doanh nghiệp đối tác đầu tiên thu mua vải thiều Hải Dương xuất khẩu sang Australia, Mỹ cho rằng, Hải Dương cần mở rộng vùng sản xuất vải theo hướng VietGAP đồng thời nghiên cứu, tìm hiểu các thị trường khó tính để đảm bảo nông sản làm ra có thể xuất khẩu.

Cũng theo ông Thìn, khâu bảo quản sau thu hoạch cũng là một vấn đề lớn cần được Hải Dương quan tâm tháo gỡ hiện nay, đặc biệt đây là trở ngại lớn nhất cho việc xuất ngoại của quả vải thiều. Tỉnh cần quan tâm tìm hiểu, lựa chọn công nghệ sau thu hoạch. Bản thân doanh nghiệp cũng đang tìm hiểu các công nghệ của nước ngoài áp dụng đối với quả vải để kéo dài thời gian bảo quản mà vẫn giữ được hương vị thơm ngon, chất lượng.

Cam kết sẽ đồng hành cùng Hải Dương tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết, hiện nay Cục đang đẩy nhanh việc tìm kiếm các đối tác, trong đó chú trọng vào các đối tác là doanh nghiệp chuyên về bảo quản để giúp nâng cao chất lượng hàng nông sản khi đưa ra thị trường. Theo ông Trần Xuân Định, một cơ sở chiếu xạ tại Hà Nội hiện đang gấp rút được xây dựng. Tới đây, khi cơ sở này ra đời, nông sản Hải Dương muốn xuất ngoại không cần phải vào TP Hồ Chí Minh chiếu xạ nữa. Như vậy, sẽ giảm chi phí và thời gian quá trình kiểm định trước khi xuất khẩu, gia tăng giá trị hàng nông sản.

Mạnh Minh
Vải thiều Việt đến Sydney
Vải thiều Việt đến Sydney

Thương vụ Việt Nam tại Australia tổ chức “Ngày Vải thiều Việt Nam” tại thành phố Sydney nhằm quảng bá sản phẩm này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN