Giảm tiêu thụ năng lượng
Theo thống kê, năng lượng tiêu thụ trong ngành xây dựng chiếm gần 40% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia. Mặc dù ngành xây dựng không phải là ngành phát thải khí nhà kính lớn nhất nhưng được dự báo là ngành có nhu cầu sử dụng năng lượng gia tăng nhanh nhất, gây ra những thách thức về mặt môi trường.
Dự án “Chuyển hóa cacbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng” do Đại sứ quán Đan Mạch tài trợ, Bộ Xây dựng Việt Nam thực hiện từ năm 2013 đã góp phần khuyến khích các chủ đầu tư bất động sản áp dụng các giải pháp giảm thiểu điện năng tiêu thụ trong các tòa nhà, thông qua hoạt động tư vấn cho 2 công trình điểm là trụ sở công ty Sao Thái Dương và tòa nhà Royal Tower.
Các công trình xây dựng xanh sẽ được khách hàng quan tâm nhiều hơn. |
Tại hội thảo đánh giá hiệu quả của dự án này do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, cả 2 công trình được chọn làm mẫu đã thể hiện những kết quả rất khả quan. Chẳng hạn tại công trình tòa nhà Sao Thái Dương (Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hoàng Mai, Hà Nội), tổng mức năng lượng tiết kiệm được (từ đèn chiếu sáng, điều hòa không khí) lên đến 44%. Theo tính toán, mức tăng giá trị đầu tư trên mỗi m2 là 2,8% so với công trình thông thường. Tuy nhiên, thời gian hoàn vốn chỉ là 1,97 năm và mức tiết kiệm điện hằng năm là 2,6 tỷ đồng.
Áp dụng các tiêu chuẩn về công trình xanh vào công trình xây dựng cũng là xu hướng đang được các chủ đầu tư rất quan tâm. Tại dự án EcoLife Capitol (Hà Nội), chủ đầu tư Capital House đã lựa chọn bộ tiêu chí chứng chỉ xanh EDGE của Ngân hàng Thế giới. Ông Trịnh Tùng Bách, cán bộ Trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, sản phẩm mới của Capital House cho biết: Ngay từ đầu, chủ đầu tư đã xây dựng dự án theo hướng xanh và thông minh, trong quá trình triển khai lại tiếp tục điều chỉnh thiết kế và tăng cường đầu tư công nghệ để có thể tiếp cận chứng chỉ EDGE.
Dự án đã áp dụng giải pháp tiên tiến để cách nhiệt mái với thiết kế thông gió tự nhiên và cấp gió tươi. Đồng thời sử dụng hệ thống đèn LED cả không gian nội và ngoại thất; sử dụng năng lượng mặt trời để chiếu sáng công cộng và hệ thống điều khiển thông minh cho tòa nhà; sử dụng hệ thống sen vòi vừa sang trọng vừa tiết kiệm nước. EDGE cũng đưa ra yêu cầu sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường như gạch không nung, tấm sàn bê tông mỏng… Với những lợi thế từ giải pháp công trình xanh, khi chưa cất nóc thì dự án đã có trên 95% số căn hộ được bán hết.
Theo các chuyên gia, đây là xu hướng chung của các nước trên thế giới. Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Christian Brix Moller cho biết, tại Đan Mạch, nhờ áp dụng các quy định nghiêm khắc về sử dụng năng lượng hiệu quả mà mức tiêu thụ năng lượng trong các công trình đã giảm tới 50%.
Nâng dần điều kiện
Một trong những mục tiêu của dự án mà Đan Mạch tài trợ cho Việt Nam là hỗ trợ các chủ đầu tư trong việc thiết kế công trình xem xét đến các yêu cầu của Quy chuẩn xây dựng quốc gia QCVN09:2013/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (có hiệu lực từ ngày 15/11/2013), khích lệ các nhà đầu tư tăng mức độ tuân thủ tối đa quy chuẩn này để thấy được hiệu quả kinh tế của việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong suốt vòng đời công trình. Tuy nhiên hiện nay số công trình tuân thủ bộ quy chuẩn này còn khiêm tốn.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, các sở xây dựng, các đơn vị đào tạo chuyên ngành, các công ty tư vấn cần sớm lồng ghép các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững vào trong thiết kế của mình. Đầu tiên là tiết kiệm năng lượng tuân thủ theo QCVN 09:2013/BXD, sau đó nếu có thể, vượt qua quy chuẩn hướng tới tiêu chí công trình xanh cao hơn.
Hiện tại, tất cả các bộ công cụ đánh giá công trình xanh ở Việt Nam đều sử dụng các tiêu chuẩn nước ngoài hoặc số liệu trung bình quốc tế để định nghĩa thế nào là công trình xanh. Việc Bộ Xây dựng ban hành QCVN 09:2013/BXD quy định những yêu cầu kỹ thuật bắt buộc về vỏ công trình, thông gió, điều hòa, nước nóng, chiếu sáng, thang máy… của công trình đã tạo tiền đề quan trọng cho việc đánh giá công trình tiết kiệm năng lượng. Song bộ quy chuẩn này vẫn chưa thật sự đầy đủ và cập nhật được những xu hướng mới.
Chẳng hạn, vấn đề sử dụng thiết bị tiết kiệm nước chưa được quan tâm khi không có tiêu chuẩn hay quy định nào liên quan tới giảm thiểu sử dụng nước trong các công trình xây dựng. Ngoài ra, đối với các công trình xanh có nhu cầu xử lý nước thải nhằm tái sử dụng tại chỗ cũng khó tìm được tiêu chuẩn quy định chất lượng nước phù hợp. Nguyên nhân là do Việt Nam chỉ có quy chuẩn quy định chất lượng nước thải theo từng môi trường nhận hoặc chất lượng nước cấp cho từng mục đích sử dụng mà không có quy định đối với chất lượng nước thải được xử lý và tái sử dụng tại chỗ.
Vì vậy, một trong các điều kiện để Việt Nam có thêm nhiều công trình xanh là cần xây dựng một hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn về công trình xanh đầy đủ, đề cập tới mọi khía cạnh của công trình xanh. Bên cạnh đó, các quy chuẩn và tiêu chuẩn này phải khả thi và đi kèm hướng dẫn kỹ thuật đầy đủ để đảm bảo việc áp dụng vào thực tế.
Để làm được, các cơ quan quản lý cần rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành cũng như nghiên cứu các tiêu chuẩn mới cần thiết. Quy chuẩn được ban hành sẽ thúc đẩy sự phát triển theo hướng bền vững của ngành xây dựng cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành xây dựng.