Thành công này không chỉ góp phần giải quyết tình trạng người nuôi tôm thường xuyên bị thiệt hại nặng do tôm nuôi bị nhiễm bệnh chết hàng loạt vì vệ sinh môi trường không đảm bảo, mà còn mở ra triển vọng lớn để tỉnh Quảng Nam nhân rộng trên vùng diện tích gần 9.000 ha nuôi trồng thủy sản của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững và thân thiện với môi trường.
“Quy trình” nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn theo hướng sinh học của ông Thành như sau: Sau khi ươm được 45 ngày, tôm giống đủ tiêu chuẩn là bắt đầu thả nuôi giai đoạn 1 trong hồ nhỏ, che kín xung quanh, có thiết bị hỗ trợ khí thở. Đến lúc tôm đạt trọng lượng từ 800-900 con/kg thì chuyển sang nuôi giai đoạn 2, thông qua hệ thống ống xả nước. Ở giai đoạn 2, kéo dài từ 40-45 ngày, tôm nuôi đạt trọng lượng bình quân 145-150 con/kg thì được chuyển qua hồ lớn để nuôi thương phẩm giai đoạn 3 cho đến khi thu hoạch, đạt trọng lượng từ 30-40 con/kg.
Để thực hiện mô hình này, ông Thành sử dụng 2,5 ha trên tổng diện tích hơn 6 ha mặt nước nuôi tôm của gia đình để làm ao lắng, ao lọc và hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Theo ông Thành, diện tích nuôi tôm tuy giảm gần một nửa, song sản lượng cuối vụ vẫn ổn định nhờ vào môi trường nước được xử lý an toàn, tốc độ phát triển của con tôm nhanh, năng suất cao hơn, trọng lượng trung bình của con tôm nặng hơn và có thể nuôi nhiều vụ hơn trong một năm so với cách nuôi tôm thông thường như trước đây.
Theo ông Thành, để thực hiện được mô hình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn theo hướng sinh học, ngoài nguồn thức ăn đảm bảo, tuyệt đối không dung chất kích thích tăng trưởng thì khâu xử lý môi trường, vệ sinh nguồn nước là yếu tố quan trọng hàng đầu. Theo đó, ao lắng lọc nước, bể ươm tôm giống và hồ nuôi tôm thương phẩm phải có tỷ lệ thích hợp. Ao lắng lọc nước phải có diện tích bằng 1/3 diện tích hồ nuôi mới đảm bảo khả năng luôn cung cấp nước đảm bảo về chất lượng trong quá trình nuôi tôm.
Trước khi thả nuôi, hồ nuôi phải được xử lý sạch sẽ, triệt tiêu toàn bộ các mầm bệnh và lắp đặt thiết bị sục khí để cung cấp thêm lượng ô xy cần thiết cho tôm trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Khi nguồn nước được xử lý triệt để, đảm bảo an toàn dịch bệnh, ông Thành đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để nuôi tôm theo 3 giai đoạn. Quy trình nuôi đều khép kín từ con giống, thức ăn đến nuôi tôm thương phẩm. Các giai đoạn nuôi tôm từ nguồn thức năng, thuốc bảo vệ đều được giám sát chặt chẽ, theo hướng an toàn sinh học.
Chủ tịch UBND xã Tam Hòa Trương Công Bình nhận xét: Thành công nhất của mô hình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn theo hướng sinh học của ông Trần Công Thành là xử lý tốt các khâu vệ sinh môi trường. Ông Thành không dùng kháng sinh, chỉ sử dụng men vi sinh, các chế phẩm sinh học để xử lý và quản lý môi trường ao nuôi. Đây là mô hình cần được nhân rộng. Qua kiểm tra, Chi cục Thủy sản Quảng Nam đánh giá cao về hiệu quả, chất lượng và sản phẩm an toàn của phương thức nuôi tôm 3 giai đoạn theo hướng sinh học lần đầu tiên được ông Thành áp dụng thành công.
Ông Nguyễn Hữu Trường, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Quảng Nam nhấn mạnh, kết quả của mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn theo hướng sinh học của ông Trần Công Thành mang lại là tôm rất mau lớn và không bị dịch bệnh trong quá trình phát triển. Trong vòng 80–100 ngày, tôm nuôi theo mô hình này đã đạt kích cỡ từ 30-40 con/kg, năng suất đạt từ 40–60 tấn/ha/năm”.
Từ thành công này, ông Trần Công Thành dự định xây dựng chuỗi liên kết với các công ty cung ứng tôm giống, cung cấp thức ăn, chia sẻ kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật nuôi tôm để giúp những hộ nuôi tôm khác trong và ngoài địa phương áp dụng, từng bước thay đổi phương thức nuôi tôm sinh học, an toàn dịch bệnh, nâng cao hiệu suất, hiệu quả từ con tôm.
“Tôi làm được rồi, tôi sẽ biến đồng nuôi tôm của mình thành văn phòng ngoài trời, mới các chuyên gia trong lĩnh vục nuôi trồng về đây tập huấn kỹ thuật nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn theo hướng sinh học để giúp bà con làm theo, tiến tới hình thành một cánh đồng tôm thương phẩm có thương hiệu và sản lượng lớn”, ông Thành quả quyết.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hiện nay trên địa bàn tỉnh đạt gần 9.000 ha. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2020 vừa qua đạt hơn 25.300 tấn, trong đó sản lượng tôm đạt hơn 16.600 tấn.
Tỉnh Quảng Nam đã có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm quy mô lớn như hỗ trợ đầu tư hạ tầng, ươm nuôi tôm giống, nuôi tôm VietGAP. Với thành công trong mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn theo hướng sinh học sẽ góp phần phát huy hết lợi thế khu vực vùng cát rộng lớn ven biển, đưa ngành nuôi trồng thủy sản của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững và thân thiện với môi trường.