Tại 5 huyện Tân Hưng, Kiến Tường, Mộc Hóa, Tân Thạnh và Thạnh Hóa có 122 hộ dân với diện tích 215 ha nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt; trong đó, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Tân Hưng và Mộc Hóa. Do nuôi trong vùng nước ngọt nên các hộ dân đều thực hiện khoan giếng tầng nông (độ sâu 30 - 40m) để lấy nước có độ mặn khoảng 4-9 g/l hoặc dùng muối để nâng độ mặn (20 tấn/1.000 m2) cho ao nuôi tôm. Đa số các hộ thả giống nuôi với mật độ cao, dao động từ 100 - 300 con/m2.
Qua khảo sát của ngành chức năng, hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng bước đầu khá thuận lợi, đa số hộ nuôi có lợi nhuận khá cao. Có những hộ dân mỗi năm nuôi khoảng 3 vụ/ha thu lợi nhuận trên 2 tỷ đồng. Do hoạt động nuôi thuận lợi, năng suất, sản lượng cao dẫn đến diện tích nuôi tôm thẻ có xu hướng tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Theo bà Định Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, việc người dân đào ao, khoan giếng lấy nước mặn, bổ sung muối tạo môi trường nước mặn để nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười, bước đầu thuận lợi trong quá trình nuôi, một số hộ có lợi nhuận rất cao.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, việc đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi ở vùng nước ngọt hoàn toàn không phù hợp về đặc điểm sinh học, sự phát triển tự nhiên hài hòa của vùng; có những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài, tác động tiêu cực đến mạch nước ngầm do khai thác quá mức, thiếu nước vào mùa khô, gây sụt lún đất đai. Việc xả thải, thẩm thấu nước nhiễm mặn từ các ao nuôi ra môi trường bên ngoài gây nhiễm mặn cho vùng nước ngọt, ảnh hưởng đến sản xuất lúa và các cây trồng khác.
Bên cạnh đó, hạ tầng cho nuôi tôm không phù hợp, chi phí đầu tư trong quá trình nuôi cao, nguy cơ bùng phát dịch bệnh mọi thời điểm và khó kiểm soát dẫn đến rủi ro thiệt hại lớn cho người dân. Thực tế tại khu vực này đã xuất hiện một số dịch bệnh trên con tôm thẻ chân trắng như phân trắng, mềm vỏ…
Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo không cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt có sử dụng muối, khoan giếng lấy nước mặn để tạo môi trường nước lợ nuôi tôm.
Đồng thời, Sở đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tục đào ao mới, chuyển đổi từ ao nuôi cá tra giống sang nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn; tuyên truyền về những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của nuôi tôm chân trắng trong vùng nước ngọt. Việc sử dụng nước mặn từ giếng khoan, bổ sung thêm muối để nuôi tôm làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất nông nghiệp vùng nước ngọt.
Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện đề tài Đánh giá toàn diện và thiết lập bản đồ thổ nhưỡng vùng Đồng Tháp Mười, xác định loại đất của từng vùng phù hợp với từng cây trồng, vật nuôi.
Đề tài nghiên cứu, đánh giá hiệu quả và tác động của việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi trên đất lúa thời gian qua và định hướng phát triển nông nghiệp bền vững; phối hợp với các viện, trường nghiên cứu thử nghiệm nhiều đối tượng thủy sản nuôi nước ngọt có giá trị kinh tế cao để đa dạng hóa đối tượng nuôi chuyển giao cho người dân sản xuất…