Ngày 29/5, tại Hà Nội, Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo “Quản trị tài chính – Cửa ngách thoát hiểm cho Doanh nghiệp”. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế cao cấp như TS. Nguyễn Sĩ Dũng, PGS.TS Đặng Văn Thanh, TS. Võ Trí Thành, cùng những doanh nhân thành công như ThS. Vũ Thị Thuận… với mục đích chia sẻ những thông tin mới nhất về chính sách kinh tế, cơ chế tài chính cho doanh nghiệp. Đồng thời, đây là cơ hội giúp các doanh nghiệp tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với các Chính khách, các chuyên gia kinh tế cao cấp, các doanh nhân thành đạt… từ đó được tư vấn, giải đáp những khó khăn nội tại của doanh nghiệp.
Các tham luận được trình bày trong hội thảo gồm: “Bức tranh toàn cảnh tình hình Kinh tế- Tài chính trong bối cảnh hiện tại” – TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, Thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng; “Cửa ngách thoát hiểm cho doanh nghiệp" – TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý Kinh tế trung ương, Thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng; "Một số chính sách tài chính cho doanh nghiệp"- PGS.TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch CLB các nhà Công thương Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm UB ngân sách, tài chính của Quốc hội.
Thời gian qua, cơn bão suy giảm kinh tế đã khiến cho nhiều DN lao đao, nhiều doanh nghiệp phải đành tuyên bố phá sản. Theo báo cáo của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI, trong năm 2012, đã có 58.000 doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động. Còn trong quý I/2013, con số này là 15.283 doanh nghiệp.
Thậm chí, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, đó chỉ là “phần nổi” phản ánh thực trạng khó khăn của doanh nghiệp. Còn trên thực tế, số lượng doanh nghiệp thực sự khó khăn, đã tạm ngừng kinh doanh, thu hẹp sản xuất, không có thu nhập chịu thuế (hoạt động sản xuất, kinh doanh thua lỗ) còn lớn hơn rất nhiều.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng “bết bát” nêu trên của doanh nghiệp là những hạn chế, yếu kém trong năng lực quản trị tài chính. Trên thực tế, tại Việt Nam quản trị tài chính trong các doanh nghiệp có những lúc bị xem nhẹ. Việc lựa chọn nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu hoạt động kinh doanh đôi khi được hình thành một cách tự phát, không dựa trên những nguyên lý cơ bản của một chiến lược quản trị tài chính hiện đại, kết hợp với tình trạng đầu tư tràn lan kém hiệu quả và không đúng sở trường và chức năng hoạt động.
Từ thực tế đó, tình hình nợ và nợ xấu tại các doanh nghiệp đã và đang phát sinh khó có thể kiểm soát. Trong giai đoạn nhạy cảm của nền kinh tế hiện nay, bất kỳ doanh nghiệp nào khi sử dụng nợ cũng có thể lâm vào tình trạng phá sản nếu doanh nghiệp không sớm nhận ra và không có biện pháp tái cấu trúc tài chính kịp thời.
A.M