Quản lý phù hợp với doanh nghiệp trung gian thanh toán điện tử

Với sự thúc đẩy thanh toán không tiền mặt cùng sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) cũng phát triển kéo theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt mua lại các trung gian thanh toán điện tử trong nước. Trước tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xem xét đưa ra hạn mức tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

Hạn chế tối đa không quá 30%

Chú thích ảnh
Thanh toán không tiền mặt có sự đóng góp không nhỏ của các đơn vị trung gian thanh toán. 

Đầu năm 2019, NHNN đã trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, NHNN muốn hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán (còn gọi là ví điện tử) tối đa không quá 30%, tương đương với hạn mức đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo lý giải của NHNN, việc hạn chế đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo sự ổn định và an toàn trong chính sách tiền tệ của quốc gia, tránh sự thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như để đảm bảo chủ quyền quốc gia trong hoạt động ngân hàng tài chính.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đang sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-NHNN về dịch vụ trung gian thanh toán, theo đó đưa ra nhiều quy định “siết” lĩnh vực này, như áp đặt hạn mức giao dịch, buộc người dùng thực hiện các thủ tục khai báo thông tin…

Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó TGĐ phụ trách khối Dịch vụ Tài chính Công ty TNHH Ernst & Young Việt, cho rằng nguyên nhân cũng một phần NHNN chưa có quy định cụ thể nào về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các trung gian thanh toán, hiện mới đang thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Do đó, NHNN khó có thể kiểm soát hoạt động mua bán, chuyển nhượng cổ phần trung gian thanh toán diễn ra tự do, trong khi hoạt động trung gian thanh toán là lĩnh vực có liên quan chặt chẽ đến lĩnh vực ngân hàng (lĩnh vực có hạn chế sự tham gia sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài).

Ngoài ra, mục đích của NHNN cũng có thể nhằm bảo hộ các fintech Việt có quy mô vốn còn nhỏ và tạo sự cạnh tranh công bằng hơn giữa các công ty trong nước và nước ngoài.

Lo ngại ví điện tử chậm phát triển

Mặc dù chủ trương và hạn chế vốn đầu tư nước ngoài vào fintech được các doanh nghiệp thừa nhận đúng, nhưng nếu siết quá mạnh sẽ khiến các trung tâm thanh toán điện tử chậm phát triển, nhất là trong bối cảnh ngành công nghệ, hạ tầng kỹ thuật số tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ.

Bởi theo quy định hiện hành, để có thể trở thành tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, mức vốn tối thiểu được yêu cầu là 50 tỷ đồng. Cùng đó, tổ chức sẽ phải có phương án kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán được phê duyệt, có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin, giải pháp công nghệ phù hợp. Người đại diện theo pháp luật, tổng giám đốc có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc lĩnh vực phụ trách...

Ông Seck Yee Chung, Chủ nhiệm Uỷ ban Công nghệ thông tin và truyền thông AmCham, đã đưa ra lo ngại, chính sách hạn chế vốn ngoại đầu tư sẽ làm hạn chế nghiêm trọng khả năng phát triển của ngành fintech Việt Nam, đặc biệt khi các doanh nghiệp trong ngành cần phát triển dựa trên các công nghệ về AI và big data từ các quốc gia đi trước.

Mặt khác, khi fintech đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á thì ở Việt Nam, việc thiếu quy định hướng dẫn đã khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm hướng phát triển cho ngành này. Ngay việc không có tên trong danh mục ngành nghề kinh doanh cũng làm khó doanh nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân khiến tổ chức trung gian thanh toán phi ngân hàng được NHNN cấp phép khá khiêm tốn (27 tổ chức), ít hơn so với số lượng công ty tài chính công nghệ thành lập.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các quy định trên có thể ảnh hưởng đến hơn 4 triệu người sử dụng dịch vụ, chi phí xã hội ước tính hơn 1200 tỷ đồng.

Nhận định vấn đề này, chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Quang Tín cho rằng, hiện việc thanh toán không tiền mặt mới phát triển mạnh ở các đô thị, thành phố lớn, trong khi tại các vùng nông thôn, vùng sâu và vùng xa vẫn còn hạn chế. Vì vậy, phát triển các ví điện tử là cần thiết, giúp người dân có thể tiếp cận với xu hướng thanh toán không tiền mặt dễ dàng hơn mà không qua ngân hàng.

Ngoài ra, theo chuyên gia Tín, việc hạn chế vốn ngoại đầu tư và fintech cần có lộ trình đánh giá. Bởi theo các điều khoản Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam vừa được Hội đồng châu Âu phê chuẩn, cũng như Hiệp định CPTPP, Việt Nam có những cam kết nhất định trong việc mở cửa hoàn toàn lĩnh vực dịch vụ tài chính – ngân hàng. Do đó, quá trình hoạch định chính sách của Việt Nam trong thời gian tới cần có những lưu ý để đảm bảo phù hợp với những cam kết của Chính phủ với quốc tế cũng như với cộng đồng doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thùy Dương cũng khuyến nghị, NHNN cần cân nhắc mặt nào có lợi nhiều hơn để đưa ra quyết định hợp lý. Nếu không cho phép các nhà đầu tư ngoại được mua cổ phần sở hữu chi phối thì rủi ro an toàn tiền tệ và chủ quyền về không gian số sẽ thấp đi, nhưng có thể các nhà đầu tư ngoại sẽ dè dặt hơn trong việc tham gia thị trường Việt Nam. Theo đó, nguồn vốn đổ vào thị trường sẽ ít đi, khả năng thu hút khách hàng và mở rộng thị trường của các công ty trung gian thanh toán sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, dẫn đến sẽ có những tác động tiêu cực đến mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cũng như việc thúc đẩy phổ cập tài chính của Việt Nam.

Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
Bảo vệ quyền lợi người dân để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt
Bảo vệ quyền lợi người dân để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

Thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam trong thời gian gần đây ngày càng phát triển mạnh. Theo Vụ Thanh toán (NHNN), trong 3 tháng đầu năm 2019, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý trên 37 triệu giao dịch với giá trị gần 21 triệu tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN