Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh): Xây dựng thương hiệu cho nông sản
Tại chợ nông sản Thủ Đức có hơn 70 tiểu thương tham gia làm thương hiệu cho nông sản. Theo đó, các tiểu thương đã bàn bạc với nhà vườn áp dụng các bước sản xuất nông sản sạch như: không sử dụng thuốc trừ sâu độc hại, tuân thủ liều lượng, thời gian cách ly, sử dụng phân bón và kiểm tra nguồn nước phải có hướng dẫn của cơ quan chuyên môn…
Mua bán vịt, ngan tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội). |
Sau khi nhà vườn làm đúng quy trình, có sản phẩm đưa lên chợ đầu mối sẽ được cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm. Nếu đạt, hai bên tiến hành thỏa thuận hợp tác kinh doanh. Những loại nông sản này được tiểu thương đăng ký xây dựng thương hiệu, có đầy đủ thông tin, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc rõ ràng nên người tiêu dùng yên tâm sử dụng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, PGĐ chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh): Bêu tên tiểu thương vi phạm
Để đảm bảo thực phẩm an toàn, ngoài việc kiểm tra hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, giấy kiểm dịch, chúng tôi còn phối hợp với các cơ quan ban ngành lấy mẫu kiểm tra định lượng một số loại rau củ, trái cây có nguy cơ cao. Khi kiểm tra, tiểu thương nào có hành vi vi phạm sẽ bị đọc tên lên loa phóng thanh. Ai bị nêu tên sẽ không bán hàng được nữa nên họ buộc phải làm ăn đàng hoàng.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội: Tiến đến xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín
Ở Hà Nội, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 100 tấn thịt bò, 600 tấn thịt lợn và 200 tấn thịt gà. Như vậy chỉ cần 4 - 5 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn là đủ để việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm thuận lợi và đảm bảo an toàn. Nhưng vì điều kiện kinh tế chưa cho phép nên Hà Nội vẫn phải để cho các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ tồn tại, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân nông thôn. Tới đây, Hà Nội phải xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín để dễ truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm từ khâu con giống, thức ăn chăn nuôi đến thành phẩm. Trước mắt phải hướng dẫn cho người chăn nuôi nhỏ lẻ nói không với chất cấm.
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội: Dùng biện pháp công nghệ
Hiện nay chúng tôi đã sử dụng biện pháp minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa điện tử. Tất cả sản phẩm nông sản an toàn sẽ được chúng tôi dán mã QR code. Người tiêu dùng thông minh chỉ cần dùng điện thoại quét qua mã này là nhận biết được thông tin về nguồn gốc cũng như các điểm bán sản phẩm đó. Nếu như sản phẩm đó được mua ở một điểm không thuộc hệ thống phân phối thì đó là hàng nhái. Người tiêu dùng có thể phản hồi cho cơ quan quản lý hoặc nhà sản xuất để kiểm tra ngay thông tin đó. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức tuần lễ nhận diện sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm Chi cục Bảo vệ thực vật TP Hồ Chí Minh: Tăng cường lấy mẫu kiểm định
Mỗi tháng, Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố tiến hành lấy mẫu đột xuất, bất kỳ của các đơn vị kinh doanh rau củ đem đi kiểm định. Ví dụ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức 25 mẫu, chợ đầu mối Bình Điền 20 mẫu, chợ đầu mối Hóc Môn 15 mẫu... Theo kế hoạch năm 2016 sẽ lấy 760 mẫu, tuy nhiên 3 tháng đầu năm đã kiểm định được trên 300 mẫu nên dự kiến số lượng mẫu rau kiểm định sắp tới sẽ tăng gấp đôi. Mục đích của việc này là khuyến cáo hộ kinh doanh khi nhập hàng phải nắm rõ nguồn gốc, bởi nếu phát hiện mẫu rau bất kỳ có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao thì tiểu thương phải cung cấp được địa chỉ lấy rau. Nếu không, tiểu thương sẽ là người chịu trách nhiệm về lô hàng của mình.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh: Thí điểm mô hình chợ an toàn
Chúng tôi đang thực hiện thí điểm “Mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm” tại chợ Bến Thành và chợ đầu mối nông sản Hóc Môn. Các nhóm hàng được thực hiện tại chợ Bến Thành là thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả và hàng ăn uống. Đối với chợ đầu mối Hóc Môn là ngành hàng thịt gia súc, đồng thời chợ cũng đầu tư để nâng cấp một phần khu rau củ quả để triển khai đề án này. Sau khi thí điểm tại 2 chợ này, thành phố sẽ nhân rộng triển khai tại các chợ khác. Cụ thể, trong giai đoạn 2 (từ 2017- 2020) rút kinh nghiệm và triển khai mô hình đối với 12 chợ khác và giai đoạn 3 sẽ triển khai mô hình chợ an toàn vệ sinh thực phẩm đối với tất cả các chợ của thành phố.
Bên cạnh đó, Sở Y tế thành phố cũng xây dựng đề án thành lập cơ quan quản lý an toàn thực phẩm. Đây là cơ quan chuyên môn giám sát, kiểm tra thực phẩm hoạt động độc lập, chuyên nghiệp trực thuộc UBND thành phố, tập hợp các nhân sự chuyên ngành có đủ năng lực thẩm định thực phẩm.