Phương thức ủy thác cho vay đạt hiệu quả cao

Ông Nguyễn Hồng Thao, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Thọ, cho biết: 5 tháng đầu năm, đơn vị đã giải ngân được gần 100 tỷ đồng vốn ưu đãi cho các hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách khác… vay vốn phát triển kinh tế, nâng tổng mức dư nợ lên 2.900 tỷ đồng trong tổng số phấn đấu dư nợ hơn 3.000 tỷ đồng năm 2014. Thông qua nguồn vốn ưu đãi nhiều địa phương đã có cách làm hay góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân và hướng tới phát triển bền vững.

Xã Hồng Đà, huyện Tam Nông được Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh giải ngân hơn 9 tỷ đồng vốn vay ưu đãi thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung cho trồng trọt, chăn nuôi, giải quyết việc làm khu vực nông thôn. Nhờ đó, đã góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo của xã, tỷ lệ hộ nghèo từ 8,89% (năm 2011) giảm xuống còn 5,5% (năm 2013) và số hộ cận nghèo cũng chỉ còn hơn 70 hộ, giảm hơn 30 hộ so với năm trước.

Anh Phan Quang Hồng (bên trái) ở khu dân cư số 5, xã Hồng Đà, huyện Tam Nông thoát nghèo từ việc đầu tư vốn vay vào chăn nuôi đại gia súc. Ảnh: Tuấn Ngọc


Còn tại xã Yên Tập, huyện miền núi Cẩm Khê cũng được Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh phối hợp với các cấp chính quyền, hội, đoàn thể tuyên truyền, động viên, hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách mạnh dạn vay vốn, sử dụng vốn vay hợp lý, đồng thời thực hiện nộp lãi, trả nợ ngân hàng đầy đủ, đúng kỳ hạn, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.

Theo ông Trương Việt Phương, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Thọ, việc triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi thời gian qua là nhờ Ngân hàng đã tranh thủ được sự ủng hộ, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng thời có sự phối hợp nhịp nhàng với các tổ chức đoàn thể trong quá trình ủy thác cho vay. Đây chính là bài học kinh nghiệm quý trong quản lý, vận hành kênh vốn chính sách nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Trong 8 chương trình tín dụng ưu đãi thì có tới 7 chương trình cho vay theo phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Ở cấp cơ sở là các tổ tiết kiệm và vay vốn trực thuộc các hội, đoàn thể.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Cẩm Khê cho biết: Ngân hàng luôn duy trì 403 tổ tiết kiệm và vay vốn ở tất cả các thôn, xóm do 4 tổ chức chính trị - xã hội huyện quản lý. Mỗi tổ có 2 thành viên trong ban quản lý, chịu trách nhiệm về các hoạt động có liên quan của tổ… Nhờ đó, hàng nghìn hộ dân được vay vốn, sử dụng đúng mục đích, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân và hướng tới phát triển bền vững.

Năm 2013, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Thọ đạt doanh số cho vay gần 778 tỷ đồng với gần 40.000 khách hàng được vay vốn. Năm 2014, kế hoạch tổng dư nợ các chương trình tín dụng sẽ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với năm trước.

Tạ Văn Toàn
Ngư dân vay vốn ưu đãi đóng tàu vỏ sắt
Ngư dân vay vốn ưu đãi đóng tàu vỏ sắt

Mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký kết với tỉnh Bình Định và Công ty CP Thủy sản Bình Định triển khai chương trình đóng mới tàu vỏ sắt, giúp ngư dân vươn khơi xa đánh bắt hải sản. Tổng số tàu được đóng mới theo chương trình này là 27 tàu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN