12 dự án dài hơn 723 km
Thời gian từ khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến khi Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần khoảng 6 tháng, rút ngắn 1/2 thời gian so với các dự án giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện theo những trình tự thủ tục thông thường, đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.
Theo quyết định được phê duyệt, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam sẽ được đầu tư với tổng chiều dài 723,7 km tuyến chính. Dự án gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (260,9 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (352,06 km) và Cần Thơ - Cà Mau (110,9 km). Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng hơn 146.985 tỷ đồng.
Ngay sau khi có Nghị quyết của Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban Quản lý dự án giao thông lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra…, khảo sát, thiết kế lập báo cáo nghiên cứu khả thi 12 dự án thành phần. Trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, với sự vào cuộc đồng hành, hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương liên quan, Bộ GTVT cũng nhiều lần khảo sát thực địa, làm việc trực tiếp với UBND các tỉnh, thành phố có dự án thành phần đi qua để thống nhất hướng tuyến dự án, các công trình trên tuyến, hoàn thành hồ sơ mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải; lập khung chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (6 dự án); lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (12 dự án) trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt; thẩm duyệt phương án phòng cháy chữa cháy cho công trình hầm (4 dự án); thông qua Mặt trận Tổ quốc của 12 tỉnh, thành phố tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án.
Đến cuối tháng 6/2022, các đơn vị chuyên môn của Bộ GTVT đã hoàn thành công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Các Ban Quản ký dự án của Bộ đã bàn giao cho các địa phương hồ sơ, cắm cọc giải phóng mặt bằng của toàn bộ 723,7 km tuyến chính (đạt 100%) để địa phương thực hiện các bước tiếp theo, đảm bảo tiến độ đề ra.
Phân công rõ trách nhiệm chủ đầu tư
Nhằm đáp ứng tiến độ theo Nghị quyết 18 của Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị các địa phương chỉ định thầu các gói thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu triển khai công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư theo quy định pháp luật; tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, để bàn giao 70% diện tích giải phóng mặt bằng các gói thầu khởi công trước ngày 20/11/2022; đồng thời, đề nghị các địa phương hỗ trợ các đơn vị của Bộ GTVT triển khai công tác liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng, xác định bãi đổ thải để có thể triển khai thi công ngay.
Theo kết luận, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ GTVT tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 44/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tích cực triển khai thực hiện. Bộ GTVT yêu cầu việc giao Ban Quản lý dự án làm chủ đầu tư phải đảm bảo phù hợp với năng lực, kinh nghiệm quản lý và điều kiện cụ thể của từng Ban Quản lý dự án giao thông, bảo đảm tương xứng với từng dự án thành phần.
Các Ban Quản lý dự án giao thông chịu trách nhiệm rà soát, kiện toàn bộ máy nhân sự, bảo đảm việc triển khai dự án công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Cụ thể, Ban Quản lý dự án Thăng Long sẽ làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần: Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng. Ban Quản lý dự án 6 làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần: Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh.
Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư dự án thành phần: Vạn Ninh - Cam Lộ. Ban Quản lý đề án 2 làm chủ đầu tư dự án thành phần: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần: Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh.
Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần: Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần: Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.