Hiện nay, huyện Vân Hồ đã có hơn 1.400 ha chè, chủ yếu là giống chè Shan Tuyết, tập trung ở các xã Vân Hồ, Chiềng Khoa, Tô Múa và Chiềng Yên; năng suất chè búp tươi bình quân đạt khoảng 10 tấn/ha. Tại Văn Hồ có 5 cơ sở chế biến, thu mua chè búp tươi, với giá dao động từ 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Trên cơ sở tham gia xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP, từ năm 2019 đến nay, các cơ sở sản xuất, chế biến chè tại địa phương đã tham gia nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chè mới.
Huyện có 3 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, gồm trà Matcha, trà Sencha và Hồng trà. Việc triển khai xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè ở Vân Hồ đã tạo động lực cho người trồng chè từng bước chuyển đổi cách thức sản xuất, hướng đến phát triển sản xuất bền vững.
Là một trong những xã có diện tích trồng chè lớn nhất huyện Vân Hồ hiện nay, Chiềng Khoa có gần 500 ha trồng chè Shan Tuyết; trong đó, diện tích chè cho thu hoạch hơn 450 ha, năng suất bình quân đạt 130 tạ/ha/năm.
Bà Vì Thị Phiêng, bản Mường Khoa, xã Chiềng Khoa, chia sẻ, gia đình bà Phiêng bắt đầu trồng cây chè từ năm 2001, đến nay có 1ha chè San Tuyết.
Trước kia, gia đình bà canh tác chè theo kiểu truyền thống, lạc hậu nên năng xuất, chất lượng, giá bán không cao. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn sản xuất chè sạch của địa phương, bà đã áp dụng vào diện tích trồng chè của gia đình.
Cũng theo bà Vì Thị Phiêng, quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch chè sạch không quá khó, chi phí đầu tư chỉ cao hơn so với trước đây một chút, nên phù hợp với trình độ sản xuất, điều kiện kinh tế của người dân, sản phẩm luôn có đầu ra, giá bán ổn định hơn. Năm 2022, với 1ha chè, gia đình bà thu hoạch được 15 tấn chè tươi, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 50 triệu đồng.
Ông Vì Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoa, cho hay, chính quyền xã đã tiến hành khảo sát, thống kê vùng trồng chè của người dân còn hạn chế về chất lượng để có giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè của địa phương. Bên cạnh đó, xã tích cực đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng chè, nhằm đảm bảo sản phẩm có đầu ra ổn định.
Cùng đó, xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, sản xuất cho các hộ trồng chè, đảm bảo sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn chất lượng, nhất là sản phẩm OCOP. Ngoài ra, xã gặp gỡ, tuyên truyền, vận động một số hợp tác xã thỏa thuận, ký kết hợp đồng thu mua chính, bao tiêu sản phẩm chè cho nhân dân. Nhờ đó, đầu ra của sản phẩm luôn ổn định, thu nhập của người dân được tăng lên và yên tâm sản xuất, gắn bó với cây chè.
Năm 2018, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần chè Chiềng Đi, cùng tập thể Ban Giám đốc và đội ngũ kỹ sư bắt đầu nghiên cứu quy trình sản xuất, chế biến tạo ra các sản phẩm chè mới, có tính cạnh tranh hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Đến năm 2020, công ty cho ra mắt thị trường hai sản phẩm chè mới gồm trà Matcha và Sencha đạt các tiêu chí của sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện nay, đơn vị đã trưng bày, bán, giới thiệu sản phẩm tại nhiều địa điểm trong và ngoài tỉnh; đồng thời, chào hàng tới một số đối tác, khách hàng tại thị trường ngoài nước như Australia, Nhật Bản và một số quốc gia ở khu vực Nam Á.
Ông Nguyễn Xuân Trường cho hay, những năm đầu khi áp dụng quy trình sản xuất chè sạch, đơn vị luôn hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Qua đó, vừa giúp người dân chuyển từ canh tác truyền thống sang sản xuất hữu cơ, vừa đảm bảo các hộ trồng chè có thu nhập cao hơn. Nhờ đó, tư duy, kỹ thuật canh tác, sản xuất của người dân ngày càng tiến bộ, năng xuất, chất lượng sản phẩm cũng tăng lên.
Với giá bán cao hơn gần gấp hai lần so với chè sản xuất truyền thống nên thu nhập cũng tăng, người dân có vốn để tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng chè.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ Thái Bá Sinh, thông tin, huyện Vân Hồ đang tập trung cao cho phát triển diện tích chè để tạo thương hiệu đối với sản phẩm chè đặc trưng.
Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao; trong đó, hướng đến một số diện tích chè San tuyết, chè cổ thụ sẽ tập trung phát triển theo hướng hữu cơ, phục vụ cho việc chế biến và thăng hạng sản phẩm OCOP.
Đây là một nội dung quan trọng trong việc thâm canh đối với diện tích chè hiện có của địa phương, vừa tạo thương hiệu chè lâu dài cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.
Để tiếp tục xây dựng thương hiệu chè, huyện Vân Hồ khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích trồng, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến trong và ngoài huyện. Đồng thời, huyện định hướng để người dân xây dựng thương hiệu sản phẩm chè gắn với phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn.